Dù cấp bách cũng phải tính dài hạn

Nhật Hạ - 14:40, 31/05/2023

TheLEADERTại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội ngày 31/5, đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn tỉnh Nghệ An) cho rằng, cấp bách nhất lúc này là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế. Việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội phải được cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường, kinh tế toàn cầu đang hoạt động dưới tiềm năng do tác động của những cú sốc toàn cầu như dịch Covid-19 kéo dài, cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng và đứt gãy các chuỗi cung ứng. Tổng cầu thế giới đang ở mức rất thấp. Đơn hàng giảm mạnh, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và chi phí thuê nhân công, thu nhập của các hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều đáng lo ngại ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn dựa vào nhân công giá rẻ, không chỉ các đơn hàng phi thiết yếu như dịch vụ, du lịch giảm mạnh, mà ngay cả các đơn hàng thiết yếu như giầy dép, quần áo, nông sản chất lượng cao cũng giảm theo.

Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp nền kinh tế đi nhanh hơn
Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn tỉnh Nghệ An). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Đại biểu Phương bày tỏ băn khoăn về việc hoàn thành tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,5% khi bối cảnh chung gặp nhiều khó khăn. Liệu các giải pháp như tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp xuất khẩu có thể giải quyết căn cơ vấn đề đầu ra cho hàng hóa dịch vụ nước ta lúc này hay không?

Theo báo cáo khảo sát của hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ mới đây, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt đang đối mặt là vấn đề đơn hàng, chiếm 59,2%; sau đó mới đến khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Cuối cùng là các khó khăn về thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định pháp luật.

Theo đại biểu Phương, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần kiên trì quan điểm đã được Đảng ta đề ra trong Văn kiện Đại hội 13. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường có yếu tố sản xuất để huy động hiệu quả các nguồn lực. Bên cạnh đó, cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Nền kinh tế thời gian qua có sự đóng góp đáng kể của ngành xây dựng và bất động sản, chiếm trọng số cao trong cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, vốn chảy quá nhiều vào phân khúc bất động nghỉ dưỡng, lại lệch pha so với nhu cầu thực tế về phát triển du lịch. Trong khi các hạ tầng khác chưa thể đáp ứng được một sớm một chiều.

Việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng là 'hồi chuông cảnh tỉnh' cho nhiều nhà đầu tư mải mê với "cuộc chơi" bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi đó, nhu cầu thực về nhà ở và thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng đáp ứng đông đảo người dân, đặc biệt là tầng lớp công nhân, công chức, viên chức, người lao động, văn phòng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Đại dịch Covid-19 đi qua cũng định hình lại cách thức cung cấp dịch vụ và tiêu dùng của hộ gia đình, người dân - đã có thói quen mua bán qua mạng, các lớp học online phát triển. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã tạo ra khí thế mới và tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho người dân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều người dân trên các vùng cao đã có thể bán các sản phẩm nông nghiệp sạch như mật ong, cà phê, thực phẩm bổ dưỡng cho khách hàng ở các thành phố lớn chỉ bằng một cái điện thoại thông minh mà không cần qua trung gian. Đây là điều chưa từng có trong ngành thương mại nước ta, theo đại biểu Phương. 

Do đó, chuyển đổi số đang đóng vai trò tất yếu giúp quá trình chuyển dịch kinh tế ở tất cả các ngành nhanh hơn. Buộc từng hộ gia đình, từng người dân phải khẩn trương, linh hoạt hơn, chủ động hơn thông qua việc tự học để làm chủ công nghệ trên internet. Từ đó giúp tăng năng suất lao động, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong một cuộc chơi tầm cỡ toàn cầu.

Đại biểu Phương kiến nghị trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn.

Thứ hai, cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm. Qua đó góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội.

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cấp doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương theo lộ trình và mục tiêu có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tự phát, đẩy mạnh việc đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Thứ tư, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm. Đồng thời quan tâm hơn đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết hợp đầu tư mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu của các khu vực có quy mô liên xã.

Cuối cùng, đặc biệt quan tâm thực thi chính sách thúc đẩy học tập suốt đời để tạo ra cơ hội sáng tạo việc làm mới cho người dân, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức cho các nước đang phát triển. Theo đó, các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay trở lại đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở áp dụng nhà máy thông minh, thay vì các nước có lợi thế về nguồn lao động.

“Bối cảnh thế giới đã và đang đòi hỏi chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để thay đổi chính mình, nếu buộc phải cân nhắc giữa việc bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng như đã đề ra cho năm 2023 so với việc chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn để đổi lấy sự phát triển bền vững, có tính cạnh tranh cao trong trung và dài hạn. Tôi tin rằng cử chi và người dân sẽ ủng hộ điều tốt đẹp hơn trong tương lai”, đại biểu Phương nói.