Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giải thể, xếp cuối về thành lập mới

Phương Anh - 16:36, 29/05/2023

TheLEADERSau 5 tháng đầu năm, kinh doanh bất động sản có tốc độ doanh nghiệp giải thể cao nhất, thậm chí gấp tới chục lần các lĩnh vực khác như xây dựng, hay bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ô tô, xe máy, theo Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới nhất cho biết 5 tháng đầu 2023, kinh doanh bất động sản ghi nhận hơn 550 doanh nghiệp giải thể, tăng tới hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của lĩnh vực này giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,7 nghìn doanh nghiệp.

Bất động sản đi đầu về tốc độ doanh nghiệp giải thể
Doanh nghiệp thành lập mới và giải thể 5 tháng đầu năm 2023 phân theo một số lĩnh vực hoạt động.

Sau kinh doanh bất động sản, vận tải kho bãi cũng ghi nhận tốc độ doanh nghiệp giải thể hai chữ số ở mức hơn 12%, tương đương gần 400 doanh nghiệp.

Tính chung cả nền kinh tế 5 tháng đầu năm 2023, có 55,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng tới hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, hơn 25 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng tới 34,1%; 7,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%.

Các con số này cho thấy bình quân, một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bất động sản đi đầu về tốc độ doanh nghiệp giải thể 1

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, sau 5 tháng, cả nước có gần 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 570 nghìn tỷ đồng, lần lượt giảm 1,6% và 25,3% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,2 tỷ đồng, giảm tới gần 1/4.

Nếu tính cả số vốn đăng ký thêm của những doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu 2023 là gần 1.400 nghìn tỷ đồng, giảm tới 43% so với cùng kỳ.

Trong kết quả khảo sát mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho biết doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn, khi hơn 80% trong tổng số hơn 9.500 doanh nghiệp được hỏi cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Đáng chú ý, niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp, khi có tới hơn 80% có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4.2% các doanh nghiệp được khảo sát.

Trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP.HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.

Ban IV cho biết khó khăn, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là khó khăn về đơn hàng. Theo sau đó là khó khăn trong tiếp cận vốn vay, thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, giữa tháng 3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, điều kiện chi trả; tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp; lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.