Tài chính
Tiếp tục chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Đại diện NHNN cho biết, thời gian gần đây, các ngân hàng hầu hết đều có sự chủ động trong việc giảm lãi suất, riêng các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm: 3 tháng đầu năm và trong tháng 4 vừa qua.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng mà ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt với tinh thần đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Theo Phó Thống đốc, giảm lãi suất là một trong tám giải pháp mà NHNN đã triển khai trong 4 tháng đầu năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cụ thể, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ nhằm tạo ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo ổn định tỷ giá - đây là điều kiện tiên quyết; quan trọng nhất.
Thứ hai, tạo dư địa, đủ lượng tín dụng (dự kiến khoảng 14,5%) cho việc phục hồi, tăng trưởng cho nền kinh tế. Thứ ba, NHNN cũng luôn bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các TCTD (hiện thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào.
Thứ tư, tạo điều kiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu. Thứ năm, triển khai chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Thứ sáu, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ khi doanh nghiệp khó khăn ( triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn);
Thứ bảy, NHNN cũng chỉ đạo ngân hàng thương mại (NHTM) cắt giảm chi phí, thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp. Và cuối cùng là chính sách giảm lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành trong thời gian rất ngắn trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Việc 2 lần hạ lãi suất điều hành trong thời gian ngắn vừa tạo thông điệp, cũng như vừa tạo định hướng cho các NHTM trong việc giảm lãi suất huy động cũng như hạ lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động của các TCTD đã giảm bình quân từ 1 - 1,2%; lãi suất cho vay bình quân trong cả hệ thống ngân hàng cũng giảm khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các NHTM nhà nước, là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường - mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%.
Theo thống kê, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các NHTM ở mức từ 6,0 - 6,1%/năm (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân); lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9 - 9,2%/năm. Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất khá tích cực trong thời gian vừa qua.
Thời gian tới, NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, đảm bảo mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và đảm bảo sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Trên tinh thần đó, đối với việc giảm suất, NHNN cũng chỉ đạo, vận động các TCTD tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
Đặc biệt, vừa qua tại hội nghị ngày 25/4 để triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, NHNN đã nhắc nhở, chỉ đạo một số ngân hàng còn cho vay cao xem xét để có mặt bằng lãi suất thống nhất. Tất nhiên không phải bằng nhau mà phải tùy theo mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra mức lãi suất của mình, tuy nhiên phải có tính thống nhất chung của hệ thống. Thời gian gần đây, các ngân hàng hầu hết đều có sự chủ động trong việc giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm: 3 tháng đầu năm và trong tháng 4 vừa qua. Đây cũng là một trong những định hướng rất tích cực.
Sắp tới, NHNN sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.
Sửa Thông tư 41 kích cầu tín dụng nhà ở xã hội
Ai được lợi từ giá bất động sản tăng cao?
Giá bất động sản tăng cao, thiếu tính ổn định gây bất lợi cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư, không ai được lợi.
Chuyện 'xóa mù' quản trị dữ liệu tại Dược phẩm Vĩnh Phúc
Hệ thống quản trị dữ liệu tại Dược phẩm Vĩnh Phúc có thể được xem là nguồn cảm hứng, hình mẫu cho hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đèo Cả huy động vốn cho cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là một trong số các dự án cao tốc trọng điểm đang được Đèo Cả tích cực tập trung nguồn lực triển khai.
Doanh nhân Đoàn Quốc Việt đã gây dựng BIM Group lớn mạnh như thế nào?
Với sự kiên định và tầm nhìn sâu sắc, doanh nhân Đoàn Quốc Việt đã dẫn dắt BIM Group trở thành một trong những tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam, có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Ngành phân bón phục hồi mạnh
Thay vì phân hóa trong cùng kỳ năm trước, diễn biến phục hồi đồng đều ở toàn ngành phân bón trong quý III cũng như chín tháng đầu năm nay.
Lạc quan về tăng trưởng kinh tế, người Việt tăng chi tiêu
Tin tưởng hơn vào tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu lẫn các trải nghiệm.
Để Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ cao
Bài phát biểu của bà Mariam J. Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào về triển vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.