Du lịch đã đủ điều kiện để mở cửa trở lại

Phương Linh - 19:19, 16/10/2021

TheLEADERCác điều kiện "cần" để mở cửa du lịch đã đủ, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, ngành du lịch cần mở cửa ngay lúc này, trước khi các doanh nghiệp đã quá khó khăn không còn cơ hội phục hồi trở lại.

Du lịch đã đủ điều kiện để mở cửa trở lại
Dịch bệnh đang khiến ngành du lịch gánh chịu những khó khăn chưa từng có

Doanh nghiệp không thể cầm cự và chờ đợi thêm nữa!

Trải qua hai năm sống chung với dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc Vietsense Travel ví Covid-19 như một cuộc sàng lọc có tính huỷ diệt lớn đối với các doanh nghiệp ngành du lịch

Nếu như đợt dịch đầu tiên khiến doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi trạng thái từ phát triển mạnh mẽ sang suy yếu thì đợt 2 đã làm nguồn lực của ngành du lịch cạn dần. Đợt 3, doanh nghiệp gần như đã kiệt quệ và tới lần thứ 4, Covid-19 chẳng khác nào một "cú đấm bồi" khiến ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất cũng hoạt động cầm chừng ở khối lãnh đạo cấp cao.

Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều đã ở trạng thái chết lâm sàng, thoi thóp trước sức tàn phá kinh hoàng của dịch bệnh. Vietsense Travel cũng không ngoại lệ!

"Sau đợt dịch thứ 3, doanh nghiệp tưởng như đã loé lên tia sáng khi có thể khai thác du lịch dịp đầu năm và 30/4, nuôi hy vọng có thể sống sót. Tuy nhiên, ngay sau đó, đầu tháng 5, dịch bệnh ập tới khiến doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, toàn bộ nhân viên phải nghỉ. Chỉ còn giữ lại bộ máy lãnh đạo.

Đến những tháng gần đây, một số nhân sự lãnh đạo cũng phải cắt giảm. Khối văn phòng công ty từ 40 người giờ chỉ còn 2 người. Hoạt động của doanh nghiệp hiện đang hết sức khó khăn khi không có doanh thu, mọi chi phí đều trông chờ vào các khoản tích luỹ từ trước đang cạn dần", ông Tài chia sẻ.

Trải qua 4 đợt dịch tấn công dồn dập, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các “ông lớn” trong ngành du lịch cũng đang kiệt quệ nguồn lực. Bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho biết, 2 năm dịch bệnh kéo dài đã đem đến cho Sun Group nhiều khó khăn lớn chưa từng có. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, dòng tiền gặp khó, doanh thu từ năm 2020 luôn trong tình trạng “âm”, một số công trình, dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

Năm 2020, doanh thu bị sụt giảm 50-60% so với năm 2019, 9 tháng năm 2021 sụt giảm 50-60% so với 2020. Các khu du lịch lớn của doanh nghiệp trong cảnh đóng cửa triền miên, mùa cao điểm gần như không thể đón khách.

Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với Sun Group là phải chứng kiến hàng chục nghìn cán bộ nhân viên trên cả nước phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên, thu nhập bị ảnh hưởng, cuộc sống gia đình gặp khó khăn do đại dịch, bà Nguyện chia sẻ.

Tại toạ đàm “Mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả” do báo Đầu tư tổ chức, ông Tài cho rằng, ngành du lịch hiện đang trong tình cảnh rất khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp đã không còn sức chống chịu thêm nữa, nếu không sớm bơm ô xy để sống sót ngay lúc này, doanh nghiệp sẽ không còn cơ hội trở lại.

Trong khi đó, mở cửa du lịch nội địa tại thời điểm này là hoàn toàn phù hợp khi nhiều địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm mới giảm, thị trường khách có mật độ phủ vaccine cao. Vậy tại sao lại không mở cửa để giúp các doanh nghiệp dần phục hồi.

Các điều kiện "cần" để mở cửa du lịch đã đủ

Đồng tình với quan điểm cần sớm mở cửa trở lại ngành du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, đã có những tín hiệu rõ nét để có thể mở cửa ngành du lịch Việt Nam.

Theo đó, số ca nhiễm mới hiện đang trên đà giảm mạnh. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Việt Nam đã có nhiều tiến triển tốt, tỷ lệ tiêm một mũi và hai mũi đạt lần lượt 39,7% và 16,4%. Một số trung tâm du lịch lớn như TP. HCM tỷ lệ này đạt lần lượt 100% - 75,9%, Hà Nội (100% - 50,3%), Quảng Ninh (100% - 65,7%), Khánh Hòa (100% - 36,9%), Đà Nẵng (98,9% - 14,6%)

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm và năng lực xử lý sự cố y tế, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và nhân lực y tế; có khả năng cô lập vùng có nguy cơ nhanh chóng.

Mới đây, Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành ngày 11/10/2021 cũng đã chuyển chiến lược chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”. Nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp, ngành du lịch có thể phục hồi lại vào năm 2024, nhờ sự trở lại của du lịch trong nước, sau đó là du lịch quốc tế, ông Chính nhận định.

Thời điểm "chín muồi" để mở cửa du lịch! 1
Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyện cho rằng, việc mở lại các hoạt động du lịch là vô cùng cấp thiết và có tính khả thi ở thời điểm hiện nay. 

Nếu tiếp tục đóng cửa, điều đáng lo ngại là hệ lụy của tình trạng này sẽ không chỉ gây tổn thương nền kinh tế mà còn gián tiếp khiến tỷ lệ đói nghèo ở các địa phương tăng cao. Chính phủ và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cần sớm đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại du lịch.

Thứ nhất, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn vốn đóng góp trực tiếp gần 10% GDP cho đất nước và đang có tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong vòng 3 năm qua nhưng đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm và chưa biết bao giờ mới có thể hồi phục.

Thứ hai, độ phủ vaccine ngày càng mở rộng. Các điểm đến trọng điểm du lịch đang được phủ vaccine nhanh chóng, nhất là Phú Quốc, tạo luồng du lịch an toàn trong nội địa.

Thứ ba, người dân đang có nhu cầu đi du lịch rất lớn. Sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhu cầu đi du lịch bị kìm nén, nhiều khách hàng cho biết họ sẵn sàng đi du lịch ngay khi tiêm đủ hai mũi và hộ chiếu vắc-xin được áp dụng. Nhiều người dân đã tiêm đủ hai mũi đều sẵn sàng đi du lịch ngay.

Nhiều địa phương trên cả nước cũng đã chuẩn bị kế hoạch đón du khách. Đây là tín hiệu lạc quan cho việc mở cửa du lịch và cũng là cơ sở quan trọng để có thể vững tin rằng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thứ tư, giai đoạn này là cần thiết để mở lại các hoạt động đón khách vào mùa du lịch Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như năm 2022. Thời điểm này, du khách nội địa không quá đông, các địa phương, điểm đến có thể đưa ra những quy trình thử nghiệm và vận hành an toàn nhất để chuẩn bị cho đón khách quốc tế trong tương lai.

Việc mở cửa du lịch sẽ phát huy hiệu lực, giúp du lịch có thể “hồi sinh”, từ đó vực dậy nền kinh tế. Có thể nói, đây là thời điểm "đẹp và chín" để mở lại các hoạt động du lịch, bà Nguyện nhấn mạnh.

Nhìn từ kinh nghiệm thế giới, theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Flamingo, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, người được tiêm hai mũi vaccine có nguy cơ lây nhiễm, rủi ro bệnh nặng rất thấp. Vì vậy, thẻ xanh Covid-19 chính là chứng nhận cho những người này có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội. Hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia đều sử dụng thẻ xanh để cho khách hàng sử dụng dịch vụ, Việt Nam cũng nên đi theo xu thế của thế giới là áp dụng thẻ xanh Covid-19.

Tuy nhiên, theo ông Hoan, để áp dụng thẻ xanh Covid-19 trong mở cửa du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất một app chung để du khách dễ dàng sử dụng, tránh trường hợp loạn áp, dẫn đến không thống nhất. Việc thống nhất các app sẽ khiến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân dễ dàng sử dụng.

Hiện nay người được tiêm hai mũi vẫn phải test Covid-19 thường xuyên, các cơ quan quản lý cần có biện pháp để không phải tiến hành hoặc giảm tần suất để tránh phát sinh chi phí và tạo sự thoải mái cho du khách.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có sự trao đổi, hợp tác với quốc tế để có sự thừa nhận thẻ xanh Covid-19 giữa các quốc gia với nhau để từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho mở cửa du lịch quốc tế.

Ngoài ra, hiện trẻ em dưới 18 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine Covid-19 trong khi đó họ là một thành viên gia đình, tham gia các kỳ nghỉ. Do vậy, cần phải có cơ chế, giải pháp để đối tượng này tham gia du lịch.

Còn theo ông Chính, nghiên cứu gần đây dựa trên kết quả khảo sát khách du lịch cho thấy, khách hàng sẽ không muốn đến du lịch nếu họ phải thực hiện cách ly. Do đó, nếu muốn mở cửa du lịch một cách hiệu quả, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu các quy định về việc không yêu cầu cách ly.

Du lịch trong nước cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi du lịch từ vùng xanh đến vùng xanh và sử dụng thẻ xanh Covid-19.

Bên cạnh đó, kế hoạch mở cửa du lịch cần phải được công bố công khai để các bên dễ dàng tiếp cận để tìm hiểu, đóng góp ý kiến và chuẩn bị thực hiện kế hoạch một cách khẩn trương và đạt hiệu quả cao nhất.