Cởi bớt gánh nặng để duy trì sự sống cho doanh nghiệp du lịch

Các Ngọc - 14:59, 12/06/2021

TheLEADERSau một năm 2020 đầy khó khăn, có lúc hoạt động gần như “đóng băng”, ngành du lịch “sốc” liên hồi với những ảnh hưởng nặng nề trước các đợt bùng phát dịch Covid-19 tại một số địa phương và tại TP. HCM.

Để giúp doanh nghiệp đang đuối sức có thể duy trì vận hành, giữ chân người lao động, Sở Du lịch TP.HCM đã đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch.

Dồn dập khó khăn

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến thành phố là 0 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 7,19 triệu lượt, tuy có tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35.581 tỷ đồng, tăng 23,3% so với 5 tháng đầu năm 2020, nhưng vẫn giảm 37% so với 5 tháng đầu năm 2019.

Riêng các doanh nghiệp lữ hành, doanh thu trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Theo thống kê trên địa bàn TP.HCM chỉ còn khoảng 50% số lượng doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp chuyên thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động.

Tuy không có doanh thu nhưng vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như tiền mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế… là những gánh nặng cho các doanh nghiệp lữ hành. Hướng dẫn viên du lịch chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động trên địa bàn thành phố chỉ còn khoảng 10% hướng dẫn viên quốc tế, 40 – 50% hướng dẫn viên nội địa. Các hướng dẫn viên cộng tác đã phải chuyển nghề hoặc về quê.

Giảm đuối sức cho doanh nghiệp du lịch
Lượng khách du lịch TP.HCM giảm mạnh

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã gây tâm lý e ngại đi du lịch của người dân, hạn chế đến các điểm tham quan đông người, làm giảm đáng kể lượng khách tham quan của các điểm đến (50% - 70%). Hiện các điểm tham quan du lịch đã tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 5/2021 theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.

Qua rà soát, TP.HCM đã có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoạt động cầm chừng; so với năm 2019, doanh thu lưu trú giảm 70%, hoạt động ăn uống giảm 80%, các hoạt động dịch vụ khác giảm 68%, lượng lao động giảm 35%.

Khó khăn của các đơn vị vận chuyển du lịch là không đủ lượng khách để duy trì hoạt động, nhưng vẫn phải bảo trì, bảo dưỡng phương tiện. Nhằm duy trì hoạt động, các đơn vị vận tải du lịch buộc phải bán bớt phương tiện vận chuyển để trả nợ ngân hàng, giảm chi phí bảo dưỡng, kiểm định, lương nhân viên.

Tuy Chính phủ và TP.HCM đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đối với doanh nghiệp du lịch, việc tiếp nhận các gói hỗ trợ chưa nhiều, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: về bảo hiểm xã hội, điều kiện giãn nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất là doanh nghiệp phải cắt giảm hơn 20% lao động, thời gian tạm dừng không quá 3 tháng.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp vì ngân hàng xếp doanh nghiệp lữ hành vào đối tượng nguy cơ rủi ro cao; tiền ký quỹ cho kinh doanh dịch vụ lữ hành chưa được giảm; mức phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đã được giảm 50% nhưng thời hạn áp dụng chỉ đến ngày 30/6/2021.

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch

Để giúp doanh nghiệp có thể duy trì vận hành, giữ chân người lao động, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xem xét trong năm 2021: giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5%; kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất; tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Cho doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm; cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp.

Điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.

Áp dụng hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch; đưa hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia đi vào thực tế.

Giảm đuối sức cho doanh nghiệp du lịch 1
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được đề xuất miễn phí vé cho khách tham quan

Trả lương để giữ chân người lao động là một trong những nhu cầu bức thiết hiện nay của các doanh nghiệp. Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND thành phố xem xét trình HĐND chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động.

TP.HCM hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với lãi suất 0%, mức hỗ trợ 50% lương tối thiểu vùng trong 3 tháng, thì gói vay dự kiến để trả lương cho người lao động lên đến trên 208 tỷ đồng.

Với các bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Du lịch đề xuất miễn phí tham quan cho khách du lịch đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi từ tháng 8 đến hết năm 2021. Để bù đắp nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này, thành phố sẽ hỗ trợ 21,7 tỷ đồng nguồn kinh phí chi trả lương cho người lao động và chi phí thường xuyên.

Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong năm 2021; triển khai ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn thành phố để sớm mở cửa ngành du lịch.