Du lịch, hàng không hấp hối sau cú đấm liên hoàn từ Covid-19

Nhật Minh - 19:51, 17/06/2021

TheLEADERNgay cả các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19. Ngành du lịch vừa cố gượng dậy sau năm 2020 bị tác động mạnh của dịch bệnh cùng thiên tai lịch sử tại miền Trung, kỳ vọng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì lại phải hứng chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch mới.

Các đợt dịch liên tiếp khiến lượng khách đặt tour cho hai dịp nghỉ Tết năm nay giảm hơn rất nhiều so với các năm. 

“Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ”, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp mới đây.

Theo phản ánh của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho nghỉ việc không lương 60 – 90% nhân sự.

Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu du lịch nội địa – thường chiếm khoảng 20% tổng doanh thu để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thêm rằng quy định tiền ký quỹ 500 triệu đồng với mỗi doanh nghiệp lữ hành quốc tế khiến doanh nghiệp bị đọng vốn. Trong tình cảnh khó khăn, khoảng 600 doanh nghiệp đã tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính.

Bên cạnh đó, giá điện của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn bị áp giá điện dịch vụ, chưa được tính theo giá điện sản xuất, dẫn đến chi phí duy trì cao.

Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế 50 – 60 tỷ đồng do hủy tour, trong khi chưa nhận được hỗ trợ từ nhà nước.

Du lịch, hàng không hấp hối sau cú đấm liên hoàn từ Covid-19
Phải đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.

Không chỉ du lịch, hàng không cũng ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm mạnh từ 34,5 - 66% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không giảm trung bình trên 61%.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 bùng phát trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát).

“Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp cũng suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán”, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thêm.

Cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021.

Nếu như tình hình Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024, hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.

Cơ quan này cho biết Vietnam Airlines dự kiến lỗ 4.800 tỷ đồng trong quý I/2021 và có thể lên tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn của doanh nghiệp này đạt tới 6.240 tỷ đồng, và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho hãng bay này giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Thực tế này khiến Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tục pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Các hãng hàng không tư nhân như Bamboo AirlinesVietjet năm ngoái đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác, duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua chuyển nhượng các tài sản, các dự án đầu tư tài chính tích lũy trong giai đoạn trước.

Tuy nhiên, dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính, Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Đề xuất các biện pháp hỗ trợ

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong giai đoạn 2021 – 2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển.

Cơ chế này tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Bộ này cũng kiến nghị ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng năm 2021 đối với các ngành chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn nhằm giảm giá dịch vụ, kích cầu và hỗ trợ du lịch nội địa.

Đề xuất tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít cho đến hết 31/12/2021 theo hướng áp mức 1.000 đồng/lít.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi thông tư, cho phép kéo dài thời gian giảm 50% chi phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không cho đến hết năm nay.