Du lịch Quảng Nam quyết hút khách nội địa

Quỳnh Chi - 10:30, 20/06/2020

TheLEADERVới du lịch Quảng Nam, tái cơ cấu thị trường và sản phẩm, xem xét lại các chuỗi cung ứng và vấn đề sử dụng tài nguyên bền vững… là những giải pháp cấp bách để phục hồi, phát triển sau dịch bệnh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, các phương tiện di chuyển giữa các quốc gia còn bị hạn chế, thị trường nội địa được tỉnh Quảng Nam xác định là mục tiêu trước mắt hướng đến cho ngành du lịch.

Theo kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch sau dịch Covid-19 trong hai năm 2020 – 2021 của UBND tỉnh Quảng Nam, thị trường nội địa là nhóm thị trường có thể lựa chọn để xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến bằng nhiều hình thức phù hợp. Trong đó, tập trung thu hút khách từ các thị trường ở các khu vực trọng điểm như: Hà Nội và Đông Bắc Bộ; TP. HCM, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.

Về đối tượng khách quốc tế, với dự báo về khả năng khống chế được dịch bệnh Covid-19 tốt hơn tại một số quốc gia trong thời gian tới, cùng với xu hướng thay đổi về nhu cầu của du khách sau dịch, nhóm thị trường tiềm năng gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zeland, Thái Lan, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á... có thể được du lịch Quảng Nam ưu tiên xây dựng các chính sách thu hút.

Tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến; tập trung xúc tiến, quảng bá đối với các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, khách công vụ và các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, Chu Lai.

Các chương trình kích cầu du lịch nội địa sẽ được tích cực triển khai như: phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan… xây dựng các chương trình du lịch ưu đãi để khách lựa chọn. Chương trình kích cầu năm 2020 sẽ được triển khai, giám sát và đánh giá; từ đó xây dựng và triển khai gói kích cầu cho năm sau.

Bên cạnh đó, tỉnh này cũng tổ chức phát động các chương trình người Quảng Nam đi du lịch trong tỉnh; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đi tham quan, du lịch tại các điểm đến trong tỉnh vào các dịp cuối tuần với các gói ưu đãi hấp dẫn.

Bản kế hoạch còn cho thấy những mục tiêu của du lịch Quảng Nam trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn đến các thị trường trong và ngoài nước.

Quảng Nam cũng lên kế hoạch liên kết, phối hợp với Huế và Đà Nẵng nhằm phục hồi và phát triển du lịch của 3 địa phương; chú trọng hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội và TP. HCM; tăng cường hợp tác công – tư cũng như liên kết ngành trong quảng bá, xúc tiến du lịch.

Du lịch Quảng Nam quyết hút khách nội địa
Du lịch Quảng Nam hướng đến khách nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Về sản phẩm, Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh; xem đó là giải pháp căn cơ trong tương lai, đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch xanh Quảng Nam phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới. Theo đó, lấy du lịch bền vững là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam trong thời gian tới.

Có thể nói, từ khi du lịch mở cửa lại với thị trường nội địa, du lịch bền vững là một mục tiêu chung của cả chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như của các doanh nghiệp du lịch tại địa phương này. Việc hút khách nội địa để qua cơ khủng hoảng cũng không phải là một quyết định dễ dàng vì nếu làm không tốt, rất có thể sẽ đánh mất đi thương hiệu đã được du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung xây dựng, duy trì trong mắt du khách quốc tế suốt nhiều năm nay.

Dù thu hút khách nội địa, nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội du lịch của tỉnh Quảng Nam xác định chỉ thu hút khách đàng hoàng, tử tế. Đó là những người tôn trọng các giá trị văn hoá, con người và thiên nhiên của Quảng Nam.

Tỉnh này cũng sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch, xem đó là một giải pháp để ngành du lịch thay đổi, thích nghi với thị trường sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tái cơ cấu thị trường, sản phẩm, xem xét lại các chuỗi cung ứng, vấn đề sử dụng tài nguyên bền vững… là những giải pháp cấp bách để phục hồi, phát triển du lịch sau dịch bệnh.

Trong đó, Quảng Nam xác định du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp là sản phẩm rất tiềm năng của khu vực Nam Hội An. Nghiên cứu khai thác loại hình du lịch tàu biển; đưa mục tiêu phát triển du lịch tàu biển tại Chu Lai, Kỳ Hà vào chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh.

Tỉnh này cũng khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, hội nghị, sinh thái, các sự kiện thể thao kết hợp du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, dựa vào thiên nhiên để đón đầu xu hướng thị trường, gồm các sản phẩm du lịch xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có như: phố cổ Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An; tổ chức chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” tại khu đền tháp Mỹ Sơn, làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên); làng Bích họa Tam Thanh, địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ); làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, khu du lịch sinh thái Rừng Hà Gia (Điện Bàn); làng du lịch cộng đồng xã Tam Hải (Núi Thành); khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh (Phú Ninh)...

Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt phù hợp với thị trường khách. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đang triển khai để đưa vào hoạt động như khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An…

Quảng Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch miền núi như làng du lịch Đại Bình (Nông Sơn), vườn sâm Tắk Ngo (Nam Trà My), làng du lịch sinh thái Pơmu (Tây Giang) trong năm 2020; làng du lịch cộng đồng Cao Sơn (Bắc Trà My), làng dệt Zara (Nam Giang), thắng cảnh Khe Cái (Hiệp Đức), khu sinh thái Hố Quờn (Tiên Phước) trong năm 2021. Tích cực hỗ trợ để khai thác các bãi biển du lịch Hà My (Điện Bàn), Biển Rạng (Núi Thành), Bình Minh (Thăng Bình) trong năm 2020; bãi biển An Bàng (Hội An), Tỉnh Thủy (Tam Kỳ) trong năm 2021; làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình)…

Nhiều hoạt động thu hút khách cũng sẽ được tổ chức như sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản; festival biển, festival ẩm thực, các hoạt động đường phố... Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng và giải quyết việc làm lao động du lịch cũng sẽ được tỉnh Quảng Nam chú trọng.