Ứng xử với tài nguyên, văn hóa và chuyện du lịch bền vững

TS. Nguyễn Thị Hậu* - 09:17, 06/02/2018

TheLEADERNguồn vốn tự nhiên và văn hóa không mất đi mà sẽ cho “lợi nhuận” lâu dài nếu biết gìn giữ và khai thác hợp lý.

Ứng xử với tài nguyên, văn hóa và chuyện du lịch bền vững
Di sản Tràng An.

Ai đã từng đi nước ngoài dù ít hay nhiều đều có nhận xét, thiên nhiên mỗi nơi một vẻ đẹp nhưng thiên nhiên Việt Nam cũng rất tuyệt vời, nhất là những danh thắng thì không thua kém nơi nào. 

Đồng thời nhiều người còn có thêm một nhận xét khác, ở nhiều nước khi phát triển du lịch thì cảnh quan tự nhiên đẹp hơn nhờ những công trình nhân tạo nhưng ở nước ta phần lớn nơi danh thắng thì có tình trạng ngược lại.

Đấy là một sự thật tồn tại từ nhiều năm qua và dường như ngày càng lan rộng ra nhiều địa phương, nhiều loại hình cảnh quan khác nhau!

Là một đất nước có tiềm năng về du lịch nhờ địa thế, địa hình đa dạng có núi rừng biển đảo, nhiều khu vực thoát khỏi sự tàn phá trong chiến tranh và chưa bị con người khai thác nên còn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu nhiệt đới điều hòa quanh năm, văn hóa tộc người phong phú độc đáo… 

Du lịch trở thành ngành “kinh tế không khói” phát triển mạnh từ thời kỳ “mở cửa” với phương thức chủ đạo là khai thác di sản tự nhiên và di sản văn hóa. Cũng chính vì vậy trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 phần lớn các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi cảnh quan còn nguyên sơ… bắt đầu bị khai thác quá sức.

Dấu hiệu dễ nhận biết là việc xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh... tràn lan cáp treo, chùa chiền lộng lẫy, khu biệt thự cao cấp, lâu đài bắt chước kiến trúc Hoa, Âu, Mỹ mọc lên san sát.

Đánh đổi cho những công trình hoành tráng đến mức kệch cỡm là hàng trăm hàng ngàn hecta rừng bị xóa sổ, bãi biển đẹp trở thành “sở hữu” của một vài resort, những trái núi bị phá nham nhở hoặc biến mất, cùng với đó là sự tàn phá hệ sinh thái của một số loài vật quý hiếm và sự biến đổi môi trường sống của cộng đồng trong khu vực.

Nhiều người đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng của “làn sóng” đầu tư du lịch ở những nơi danh thắng là giá trị “bất động sản” ở khu vực đó mang lại lợi nhuận rất cao. Nhưng còn có một nguyên nhân khác nằm ở việc xác định mục tiêu của phát triển du lịch. 

Dưới nhãn hiệu “du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp” chủ yếu nhằm vào những thay đổi trong nhu cầu du lịch của người Việt, đó là dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm, thích những gì “mới lạ”, thay vì phải du lịch đến các nước trong khu vực thì các đại gia bất động sản đã “đi tắt đón đầu” những nhu cầu này của một thị trường đang có xu hướng tăng nhanh. 

Đầu tư nhiều thì cần thu hồi vốn nhanh, bằng mọi cách làm sao để du khách phải tiêu/tốn tiền vào các dịch vụ ở đó (kể cả dịch vụ về “tâm linh”). Từ đó “du lịch” hiện nay còn tạo ra những nhu cầu tiêu xài mới mà tiếc rằng mang lại rất ít sự hiểu biết về văn hóa nhưng lại làm du khách quên đi ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, thậm chí còn ngụy biện cho rằng, tàn phá thiên nhiên để “phục vụ” nhu cầu du lịch là tất yếu!

Cũng như đối với di sản văn hóa ở đô thị, một “mâu thuẫn” luôn tồn tại ở các địa phương là làm thế nào vừa phát triển kinh tế nhưng đồng thời vừa bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa? 

Giải quyết mâu thuẫn này thì phần thua thiệt thường ở về phía di sản văn hóa vì nơi nào cũng vì mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế nhanh chóng! 

Cần nhận thấy, “tăng trưởng kinh tế” nhanh và nóng nhưng không phải bao giờ cũng mang lại kết quả - đồng thời cũng là mục tiêu của sự tăng trưởng kinh tế - là cải thiện, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương cả về vật chất và tinh thần! 

Quan trọng nhất là nó không mang lại sự bền vững cho quá trình thay đổi ở địa phương và cộng đồng, vì chỉ có khai thác mà không giữ gìn, bảo tồn, chỉ mang lại lợi ích cho một khu vực, một bộ phận từ nguồn lợi và tài sản của toàn thể cộng đồng và các thế hệ sau, tất yếu sẽ là sự “phồn vinh giả tạo”.

Khi mục đích phát triển du lịch là để thu về “tiền tươi thóc thật” thể hiện từ “tầm nhìn chiến lược” của địa phương đến ngành quản lý và nhất là những nhà đầu tư thì dẫn đến quan điểm và hành xử không coi trọng và phá hoại nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. 

Vì vậy hiện nay tại một số nơi cũng có thiên nhiên đẹp hoặc từng là địa điểm du lịch đã bị quên lãng... nếu chưa nằm trong “tầm nhìn” của địa phương, hoặc chưa được phát hiện, khám phá, chưa có đại gia nào dòm ngó “đầu tư dự án” thì những nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nhân, những ai có tâm khi có dịp đến đó đều thầm mong đừng “phát triển du lịch” để nơi đây còn giữ được tài nguyên thiên nhiên - một tài sản quý cho thế hệ con cháu! 

Ở đó còn ẩn chứa những tiềm năng quý giá mà nếu được khai thác phù hợp, đúng mức với mục đích nhân văn, bền vững thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế, danh tiếng về văn hóa và sự quảng bá không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới.

Sự thay đổi quan điểm, chính sách ở tầm vĩ mô nhiều khi bắt đầu từ nhu cầu bức thiết của cuộc sống và từ thực tiễn phát triển theo xu hướng tiến bộ. 

Đòi hỏi chính sách thay đổi là đúng đắn và cần thiết, nhưng nếu thực sự yêu quý quê hương, thực sự mong muốn đất nước phát triển bền vững và thực sự là thế hệ có trình độ quản lý và tri thức văn hóa tiên tiến thì mỗi doanh nhân, doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch cần nhận được sự tư vấn tốt hơn về văn hóa nói chung, về giá trị lịch sử, tự nhiên, văn hóa nói riêng của khu vực... 

Nguồn vốn tự nhiên và văn hóa không mất đi mà sẽ cho “lợi nhuận” lâu dài nếu biết gìn giữ và khai thác hợp lý.

Đặc biệt, nguồn vốn này còn góp phần mang lại cho những thế hệ người Việt Nam tinh thần nhân văn trong ứng xử với thiên nhiên và những cộng đồng bản địa - một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong tiến trình hội nhập với thế giới văn minh thời đại công nghiệp 4.0.

(*) Tác giả là Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu