Du lịch Hội An đang thiếu 'nhạc trưởng'

Kim Yến - 10:04, 08/06/2020

TheLEADERLà người yêu Hội An từ trong huyết quản, cựu Bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự cho rằng, trong bối cảnh du lịch Hội An đang gặp khó bởi khủng hoảng đại dịch, vai trò nhạc trưởng của nhà nước lúc này rất quan trọng.

Du lịch Hội An đang thiếu 'nhạc trưởng'
Cựu Bí thư thành uỷ Hội An Nguyễn Sự chia sẻ về những giải pháp giúp kích cầu du lịch Hội An

Chúng tôi đến với Hội An những ngày đầu tháng 6, dù nơi nơi ở đây đang kêu gọi “kích cầu du lịch” nhưng phố cổ vẫn im lìm, cửa đóng then cài. Hàng loạt các khách sạn 3-5 sao, homestay đóng cửa, hoặc chỉ lác đác khách.

Khác với ngày thường trước đại dịch Covid-19, tìm đồ ăn ngon vô cùng khó, chưa kể chẳng biết chơi gì. May mà biển mùa này rất đẹp và Cù Lao Chàm thì san hô đang khoe sắc. Cuối cùng cả đoàn lại đánh xe ra Đà Nẵng để tìm đồ ăn tươi…

Đó cũng là lý do vì sao toạ đàm “Kích cầu du lịch nhìn từ thực tiễn Hội An” do TheLEADER kết hợp Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức đã thu hút 40 doanh nghiệp trong ngành du lịch, lữ hành, khách sạn, với những tranh luận sôi nổi, những chia sẻ hết lòng vì tình yêu với Hội An và cả những sốt ruột, lo lắng trước khó khăn đang diễn ra hàng ngày.

Kích cầu du lịch là tạo ra sự kiện, điểm đến

Hội An dường như đang loay hoay với bài toán kích cầu du lịch nội địa. Nhiều kế hoạch từ hiệp hội du lịch, từ Sở Văn hóa thể thao và du lịch, nhiều sáng kiến đã được đưa ra, nhưng vẫn chỉ mới là dự thảo, vì tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp. Ngay như chính sách vé tham quan liên quan tới gói kích cầu cũng chỉ mới được duyệt, chưa đưa vào áp dụng.

Theo thống kê ban đầu, 80% các cửa hàng, khách sạn tại Hội An đang ngủ đông, bởi nguồn khách chính của Hội An là khách ngoại. Để “trở bộ đi” sang phục vụ khách nội nhiều doanh nghiệp còn lúng túng. Như một cơ thể đang “đau liệt giường”, cần truyền nước để thở đòi hỏi phải có một nhóm giải pháp thống nhất từ trên xuống dưới, từ nhà nước đến doanh nghiệp, người dân…

Tại toạ đàm, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội cho biết tất cả chương trình kích cầu vẫn mạnh ai nấy làm. Các doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng, gánh hàng rong đang rất lúng túng không biết làm thế nào, vì có mở cũng không có khách. Mà hồn vía của Hội An lại chính là từ các hàng quán, du khách cao cấp đến rẻ tiền đều thích lang thang phố cổ, nhưng nay ra phố cổ thấy tiêu điều.

Một vài năm trở lại đây Hội An xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng chất lượng, thân thiện với môi trường, nếu kích cầu chỉ tập trung giảm giá sẽ đặt ra nhiều hệ luỵ khác. Làm thế nào để thu hút khách nội địa tử tế? Làm thế nào để kích cầu cho hôm nay nhưng phải tốt cho cả ngày mai, đừng no hôm nay để đói mãi mãi?... Đó là bài toán nan giải đang đặt ra với những người làm du lịch tại Hội An.

Là người yêu Hội An từ trong huyết quản, với trí tuệ và sự hiểu biết của mình đã từng tạo ra một chính quyền sạch vì dân, biết phụng dưỡng môi trường, phụng dưỡng văn hoá, đón nhận và chọn lọc văn hoá văn minh thế giới… ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư thành uỷ Hội An đã đưa ra lời giải cho những bài toán khó của Hội An.

Mở đầu phần phát biểu của mình tại tọa đàm, ông Sự nói: “Tác giả của du lịch Hội An là người dân Hội An và doanh nghiệp Hội An. Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn, đặc biệt các doanh nghiệp, suốt thời gian qua đã cùng chính quyền nhân dân Hội An tạo ra những điểm đến, sản phẩm để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Tất nhiên chúng ta không thể vừa lòng tất cả mọi người, chính vì thế mới khiến chúng ta phải suy nghĩ để làm tốt hơn. Khoan nói đến tầm nhìn dài hạn, hơn lúc nào hết chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tại, để có cái nhìn cụ thể từ nay đến 2021 sẽ làm gì?". 

Du lịch Hội An loay hoay bài toán kích cầu
40 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, khách sạn hàng đầu của Hội An và Quảng Nam tham dự tọa đàm kích cầu du lịch do TheLEADER kết hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức

Theo ông Sự, du lịch Việt Nam đang ở trong tâm bão, không chỉ dân Hội An, du lịch Hội An chịu ảnh hưởng mà là thị trường toàn thế giới - những du khách đã mang lại cho vùng đất này sự giàu có hơn. 

Ảnh hưởng dịch bệnh không chỉ du lịch, kể cả xây dựng, đầu tư công giảm xuống, thu nhập ít đi thì mọi kế hoạch xây dựng đếu phải tính toán giảm lại. 

Chia sẻ những cảm nhận thực tế trong thời gian đại dịch diễn ra, ông Sự cho biết: "Có một đối tượng đặc biệt mà tôi muốn đề cập đến là nông dân, những người biết nương tựa vào thiên nhiên. Nông nghiệp thực sự đã giải bài toán cho dịch vụ và du lịch. Trong lúc cách ly tôi đi lang thang, thấy Cửa Đại vắng tanh, nhưng khi đi ra Bãi Hương, Bãi Ong, thấy người dân ở đó rất tự tại. 

Du lịch phải đặt trên sự phát triển bền vững, đi sâu vào các giá trị cốt lõi để phát triển tài nguyên bản địa

Cù Lao Chàm xa quá nên dân không lo lắng về dịch nhiều. Dân Cù Lao Chàm giàu lên nhờ du lịch, nhưng chỉ làm 5 tháng, họ vẫn gắn bó với biển, con cá con cua đó bán cho khách hàng. 

Trước đây con cá con cua không vào gần bờ, nhưng khi du lịch bị ngưng trệ, vắng khách, cá vào gần hơn, ngày trung bình đánh bắt cũng được 15 kg. 

Nếu Cù Lao Chàm phát triển theo kiểu “nhà cao hơn núi”, thì liệu dân Cù Lao Chàm trong đại dịch sẽ sống sót như thế nào?

Du lịch phải đặt trên sự phát triển bền vững, đi sâu vào các giá trị cốt lõi để phát triển tài nguyên bản địa, không tách khỏi tự nhiên mà gắn bó với nó, làm sao trở thành sản phẩm thực sự lôi kéo du khách.

Người ta thường nói đến danh lam, mà ít ai nói đến thắng cảnh. Thắng cảnh là gì, là vẻ đẹp bình dị của làng quê sông nước, của mái rạ bờ tre, của giếng nước sân đình… Chính vẻ đẹp bình dị ấy mới làm người ta xúc động, cảm thấy gắn bó, yêu thương. Vẻ đẹp ấy ở Hội An gần như còn nguyên vẹn, sau đại dịch lại càng đẹp hơn vì cây cối tốt tươi, hoa cỏ mọc đầy. Đi trên cánh đồng lang thang, thấy người dân dã chày, chèo thuyền, gánh nước, cấy lúa, trồng rau… du khách cảm thấy rất thú vị.

Hội An bắt đầu từ văn hoá, nhưng không chỉ có văn hoá. Nếu chỉ nhìn vào phố cổ thì tuổi thọ sẽ rất ngắn. Qua dịch, ngành du lịch phải thay đổi tư duy. Tôi muốn dùng từ “trở bộ”, như người võ sĩ lên võ đài phải dùng thế độc để khoá đối thủ, qua dịch mỗi người phải đổi cách suy nghĩ.

Mọi nơi đang nói đến kích cầu, nhưng cơ bản là giảm giá, hiểu như thế là rất hạn hẹp. Kích cầu là tạo ra sự kiện và tạo điểm đến. Không phải người ta đến Hội An chỉ để ngủ trong phòng rồi trở về, ngoài chỗ nghỉ đàng hoàng, cần có chỗ tiêu dùng, thưởng ngoạn, trải nghiệm, những sự kiện văn hoá đặc sắc, khác biệt… Phải tạo ra sự kiện, tạo ra điểm đến mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn so với trước đại dịch thì người ta mới đến.

Thứ bảy tuần trước tôi ra Cù Lao Chàm, lần đầu tiên sau đại dịch mới có 1.900 khách/ngày, nhưng họ đến rồi đi luôn, nghĩa là không có sự kiện nào giữ chân họ cả. Giảm giá không khéo chẳng thấy kích cầu đâu mà lại làm gãy cầu, dẫn đến hệ quả khác nặng nề hơn là Hội An chỉ đón nhận kinh doanh lấy bạc lẻ, bạc xu!

Chúng ta không thay đổi chiến lược khách, mà thay đổi chiến thuật từ nay đến năm 2021, đó là tập trung khách nội địa, tập trung tạo ra sự kiện cho khách nội địa để trụ được qua cơn bĩ cực, chứ đừng mong lấp đầy chỗ trống trong khách sạn ngay lúc này. Để chuẩn bị tư thế khi nền kinh tế phục hồi, có thể tới tháng 9 - 10/2021 lúc ấy sẽ bật lên.

Thay đổi chiến thuật bằng các hoạt động văn hoá địa phương, gắn liền với thiên nhiên sông nước, với biển đảo, đồng ruộng, rừng cây, sinh thái…

Đừng nói sự kiện gì to lớn, chiều thứ sáu, thứ bảy tổ chức những trò chơi diều trên cánh đồng, cuộc thi bơi biển, bơi thuyền… một cách đàng hoàng, để cha mẹ có thể dẫn con cái theo cũng rất thú vị. Nhiều người Hà Nội, Sài Gòn chưa biết thả diều là gì. Đi du lịch là tạo ra ấn tượng, trải nghiệm, đó là cái lời lớn nhất. 

Không phải chỉ là “Ba di sản một điểm đến”, mạnh ai nấy làm! Tại sao không tổ chức những vũ hội đường phố cho người ta ra đó chơi? Mình không đủ tiền làm lớn thì làm nhỏ, dạy đồng dao từng góc phố, trong trường học, du khách sao không mê. Hội An đã từng có những buổi chiều các cháu nhỏ ngồi hát đồng dao, dân ca, du khách rất thích. Đó là sự kiện của mình, không phải cái gì trên trời”.

Vai trò nhạc trưởng của Nhà nước rất quan trọng

Đề cập đến thực tế đau xót tại phố cổ Hội An hiện tại, dù nhà nước kêu gọi kích cầu nhưng không hiểu sao các hàng quán vẫn cửa đóng then cài, ông Nguyễn Sự lý giải: "Hội An còn có các nhà hàng, tiệm cà phê, đó là linh hồn của phố. Nhưng trong tình trạng vắng khách này, chỉ có thứ bảy chủ nhật còn có đồng ra đồng vào, mở ra cái lại phải đóng thuế luôn cả tháng, vậy mở làm chi? Nên phố vẫn buồn, cửa vẫn đóng, then vẫn cài, doanh nghiệp thì làm đơn xin nghỉ.

Kích cầu phải bằng chính sách cụ thể mới khiến doanh nghiệp và các nhà hàng mở cửa trở lại. Phố vẫn cửa đóng then cài thì kích cầu du lịch làm gì? Giờ phố buồn hiu hắt, tôi tiếc rằng các sở, ban ngành Hội An không thấy ai tìm cách làm cho phố vui trở lại? Tất cả buộc chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở.

Quan sát trên phố mấy hôm nay, tôi phát hiện những người bán hàng rong chính là nhân viên làm nhà hàng, khách sạn, mất việc rồi phải làm quán trà sữa, xe bánh mì. Có bạn bình thường thu nhập từ 2 đến 3 chục triệu giờ về đi phụ hồ.

Tất cả nói lên điều gì? Hội An thoát khỏi nghèo khó từ khách nội địa, đến khi khách Tây nhiều quá, chúng ta không mặn mà với khách nội nữa, dẫn đến thị trường nội địa đi xuống. Khách nội địa chỉ đến đây tham quan là chính và ở homestay là nhiều chứ không ở các khách sạn cao cấp.

Tôi nhớ một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, có một người nông dân nuôi bầy cừu toàn là màu trắng, tự nhiên lọt vào một con cừu đen, nhiều lần anh ấy ngứa mắt muốn giết nó lắm. Nhưng đến một năm kia có cơn bão tuyết lớn, cả bầy cừu lẫn vào trong tuyết khiến anh bị lạc mất không sao tìm ra. May sao nhờ có con cừu đen, cuối cùng anh đã tìm thấy đàn cừu. Du lịch cũng vậy, phải tạo ra sự phong phú, đa dạng, chứ đừng “đồng phục”.

Du lịch hiện chiếm 70% tỷ trọng nền kinh tế Hội An. Tôi ra ngoài, thấy con cháu mình như vậy buồn lắm. Du lịch Hội An từ anh xe ôm, bác xích lô cũng là dịch vụ du lịch. Giải pháp nên đi vào những đối tượng cụ thể đó chứ không chỉ là giảm giá.

Nếu chỉ tranh nhau giảm giá sẽ phá nát những gì chúng ta đã tạo dựng, biến Hội An thành nơi chứa rác
Ông Nguyễn Sự
Cựu Bí thư thành ủy Hội An

Trước số phận của người làm du lịch và cả người dân, vai trò nhạc trưởng của nhà nước lúc này rất quan trọng, có thể từng nhạc công giỏi bao nhiêu nhưng nếu nhạc trưởng không giỏi thì cũng sẽ thất bại. Nhạc trưởng giỏi thì vai trò của các nhạc công mới phát huy được. 

Tạo ra du lịch Hội An là các doanh nghiệp, nhân dân, du khách và nhà nước, hơn lúc nào hết chúng ta phải có kế hoạch từ nay đến năm 2021. 

Vắc-xin phòng, điều trị Covid-19 chưa có thì lúc nào cũng có thể có dịch, phải chuẩn bị tâm thế đó để hoạch định chiến thuật kịp thời. Vai trò nhạc trưởng trong lúc này cực kỳ quan trọng, vì chậm là chết dân, chết doanh nghiệp!

Thái Lan có công trình kích cầu cho cán bộ công nhân viên nghỉ dài ngày để có thời gian đi du lịch. Du khách chỉ cần xuống sân bay là cả hệ thống vận hành, còn ở chỗ chúng ta xuống sân bay mạnh ai nấy đi. 

Du khách đến Hội An bằng máy bay thì việc phối hợp các hãng hàng không ra sao, đó là trách nhiệm của tỉnh. Không thể để du khách đến rồi ra về ngay. 

Phải làm ra sản phẩm để tụ khách nội địa về giúp doanh nghiệp không bị đổ vỡ trong khó khăn. Phải chấp nhận thực tế này, vì dịch bệnh đến đâu ai ngờ, tràn lan cả thế giới. Tôi với tư cách người quan sát cũng thấy thấm đòn, huống chi doanh nghiệp, người dân, các hộ kinh doanh bán lẻ còn thấm đòn cỡ nào…

Nhiều người cho rằng tổ chức sự kiện phải có tiền? Đó không phải khoản chi thường xuyên, phải tạo ra sản phẩm cho người dân tiêu tiền. Ngay như khi tôi quyết định đầu tư cầu Cửa Đại đâu phải chỉ phục vụ giao thông, mà tạo điều kiện cho cả một vùng đất khởi sắc, cho dân thu được cả trăm ngàn tỷ sau này. 

Đừng nên coi đầu tư sự kiện là “ăn chơi nhảy múa”, “cờ đèn kèn trống” từ đó chủ trương thu hẹp lại. Hội An đã chứng minh điều này qua “Đêm phố cổ”, thu hút rất đông du khách, đó là đầu tư chiều sâu, đầu tư kinh tế, để vượt qua cơn bĩ cực.

Du lịch Hội An loay hoay bài toán kích cầu 3
Chương trình nghệ thuật thực cảnh "Ký ức Hội An" là một trong những điểm nhấn mới của du lịch Hội An thu hút hàng nghìn người xem trong mỗi show diễn

Ngành du lịch như một cơ thể đang nằm viện tương đối lâu, bản thân cần bồi bổ từ từ để phục hồi, đừng kỳ vọng đầu tư 1 tỷ mai thu về 10 tỷ. Làm sao trong lúc khó khăn này phải ngồi lại với nhau, cùng nhau hành động mới tạo ra sức mạnh. 

Tôi mong muốn không chỉ các doanh nghiệp tại toạ đàm này, mà toàn bộ các lãnh đạo từ cấp cao nhất đến từng người dân hãy tựa lưng vào nhau, cùng nhau ngồi lại, vì chúng ta đang cùng đi trên con thuyền, đồng lòng chèo chống để con thuyền không chìm, chứ nếu chỉ tranh nhau giảm giá sẽ phá nát những gì chúng ta đã tạo dựng, biến Hội An thành nơi chứa rác.

Thực tiễn dạy chúng ta nhiều thứ trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, từ đó sáng ra. Hãy chú trọng điều tiết, chuyển dịch dần để chuyển du lịch nội địa thành mũi nhọn, bằng tài nguyên và giá trị của chính chúng ta, đi lên bằng chính non sông gấm vóc của chúng ta… Đó là điều tôi muốn tha thiết đề nghị với nhân dân và chính quyền Hội An”.