Du lịch và hàng không: Cú bắt tay đưa Việt Nam thành điểm đến uy tín toàn cầu

Hường Hoàng - 17:43, 31/12/2022

TheLEADERĐể đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, với 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, vai trò của ngành hàng không là rất lớn.

Du lịch và hàng không: Cú bắt tay đưa Việt Nam thành điểm đến uy tín toàn cầu
Chuyến bay đầu tiên thí điểm đón du khách quốc tế đến Việt Nam cuối năm 2021 (Ảnh: Vietnam Airline)

Du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Phát biểu tại hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, cho biết, trong năm 2022, Thái Lan đã đạt được kế hoạch đón 10 triệu khách quốc tế. Malaysia đang nỗ lực quảng bá để đạt mục tiêu đón 9,2 triệu khách quốc tế.

Với Singapore, Covid-19 được cho là yếu tố để quốc gia này tăng tốc chuyển đổi số nhằm kiểm soát, giảm thiểu hậu quả của đại dịch, đồng thời nhanh chóng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. Với những nền tảng vốn có và khả năng chuyển đổi số nhanh chóng của mình, Singapore có kế hoạch đón 6 triệu khách quốc tế năm 2022.

Còn tại Việt Nam, tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng khách quốc tế của Việt Nam chưa được như kỳ vọng là do thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế; xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc.

Về nguyên nhân chủ quan, du lịch Việt Nam hiện đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch… Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Thúc đẩy kết nối, hợp tác với ngành hàng không

Ngành hàng không là cầu nối rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp các điểm đến trở nên gần hơn, thuận lợi hơn, từ đó giúp gia tăng lượng khách du lịch tới các điểm đến. Nhờ sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không, tại Việt Nam, lượng khách du lịch bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt qua từng năm.

Trong bối cảnh còn nhiều “điểm nghẽn”, hoạt động kết nối, hợp tác với ngành hàng không đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Du lịch và hàng không: Cú bắt tay đưa Việt Nam thành điểm đến uy tín toàn cầu
Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” (Ảnh: Kinh tế Đô thị)

Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Để ngành du lịch đạt chỉ tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn, du lịch và hàng không là mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên”.

Ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không quốc tế đã có hơn 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hành khách trên 154 đường bay quốc tế, kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 5 điểm của Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc.

"Năm 2022, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 11 triệu hành khách khách (tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019), tuy nhiên chỉ tính riêng cho quý IV/2022, tổng thị trường quốc tế đạt 5,1 triệu khách, bằng 50% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019", ông Bùi Minh Đăng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo "Hợp tác hàng không – du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu".

Trong thời gian tới, ngành hàng không sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát và kiên trì trong việc tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này.

Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không trong nước và nước ngoài, đặc biệt là việc khai thác cảng hàng không quốc tế; khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Không chỉ vậy, ngành hàng không cũng đang thiết lập đường bay không lưu quốc tế đến cảng hàng không quốc tế Cát Bi và xem xét, công bố cảng hàng không Liên Khương là cảng hàng không quốc tế để tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không đến các cảng hàng không này.

Ngoài ra, ngành du lịch cũng đề nghị Chính phủ xem xét những quy định về visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng (tăng thời hạn lưu trú và mở rộng phạm vi các quốc gia được miễn visa nhập cảnh Việt Nam); xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch…

Ông Khánh cho biết: “Theo ước tính của doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Vì vậy, hàng không và du lịch cần tiếp tục ‘’bắt tay’’ để đầu tư, xây dựng các gói combo sản phẩm du lịch có chất lượng, giá cả phù hợp, hợp tác đầu tư khai thác các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam.

Cuối cùng, ngành du lịch cũng đang tập trung triển khai thật tốt chiến dịch xúc tiến, quảng bá ‘’Live fully in Viet Nam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) mang lại những hoạt động du lịch - hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách. Đồng thời, hai ngành cũng sẽ phối hợp với nhau, thúc đẩy hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực…

Hội thảo kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, nút thắt của các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch trong nước, qua đó mang đến những gam màu tươi sáng cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.