Đưa sản phẩm 'made in Quảng Ninh' ra thế giới

Quỳnh Chi - 15:30, 17/11/2020

TheLEADERVới nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã bao bì cùng sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang bước những bước rất chắc chắn trên hành trình đưa sản phẩm vươn ra thế giới.

Đưa sản phẩm 'made in Quảng Ninh' ra thế giới
Lãnh đạo Bộ Công thương và tỉnh Quảng Ninh tham quan khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm thương hiệu, sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Trong bộ váy màu xanh duyên dáng, chị Cao Hồng Vân, Tổng giám đốc hãng nước mắm truyền thống Vanbest (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) giới thiệu về sản phẩm nước mắm sá sùng tại gian hàng của mình trong khu trưng bày trưng bày, giới thiệu, quảng bá các mặt hàng tiềm năng, thế mạnh của 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu giữa Quảng Ninh và các cơ quan, tổ chức.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu, sản phẩm của Vanbest đã lọt vào nhóm mười thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt, sản phẩm, dịch vụ uy tín nhất năm 2019.

Nhìn lại hành trình mười năm, chị Vân cho biết, môi trường kinh doanh đã có rất nhiều thay đổi, thách thức ngày càng lớn nhưng đi cùng là các điều kiện thuận lợi và cơ hội đan xen.

Thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp và sản phẩm tương tự, tính cạnh tranh tăng lên, khách hàng cũng ngày càng thông minh trong việc đưa ra quyết định nên với chị Vân, làm thế nào để sản phẩm có thể nổi bật là một bài toán không hề đơn giản.

“Còn cơ hội là doanh nghiệp không đơn độc mà có sự hỗ trợ quan tâm từ chính quyền địa phương đến trung ương để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng mẫu mã, bao bì, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, kết nối doanh nghiệp địa phương với các nhà phân phối”, chị Vân nói.

Mười năm về trước, chị và nhiều doanh nhân khác gần như phải tự mày mò, phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, nhiều giấy phép con, qua nhiều cửa mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường.

“Nhưng những năm gần đây, các cơ quan quản lý đã có nhiều bước tiến trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý, đưa tất cả về bộ phận một cửa để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, các sở ban ngành chuyên môn cũng hướng dẫn trực tiếp tận nơi cho doanh nghiệp”, chị Vân cho biết.

Quảng Ninh xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thế mạnh
Chị Cao Hồng Vân, Tổng giám đốc hãng nước mắm truyền thống Vanbest giới thiệu về sản phẩm nước mắm sá sùng

Nhờ vậy, chị đang hoàn thiện các điều kiện sản xuất tốt hơn, nghiên cứu các tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu mục tiêu để tìm cách đáp ứng. Trong kế hoạch của chị, chậm nhất là 3 năm có thể đưa sản phẩm đến nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc…  

Doanh nghiệp không đơn độc

“Hiện nay chúng tôi đang xuất khẩu sản phẩm mũ thể thao cao cấp đến các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Trong thời gian tới, công ty chúng tôi mong muốn hưởng ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA, đặc biệt là thị trường Pháp và Ý.

Vì vậy mong đại sứ quán Pháp và Ý hướng dẫn các quy định nhập khẩu mặt hàng này vào thị trường và giới thiệu các đối tác hợp tác để đưa sản phẩm vào thị trường hai nước”, chị Nguyễn Hải Yến thuộc bộ phận nhân sự Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long phát biểu trong Hội nghị xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu do tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Không khí khẩn trương khi đại diện các doanh nghiệp phát biểu về mong muốn xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế xoá tan sự ảm đạm kéo dài những tháng qua khi dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp trên thế giới khiến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh gặp khó.

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh đã ký kết hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Ninh ra thị trường nước ngoài.

Rất hiếm khi các doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận với 47 đại biểu đại diện đại sứ quán đến từ 27 quốc gia, hai đại biểu đến từ tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, đại diện sở, ban ngành trong tỉnh.

Đây là cơ hội để các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu tiềm năng, khảo sát thị trường, kết nối với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư giữa các bên.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhận định, với khả năng kết nối tuyệt vời của Quảng Ninh tới Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận bằng hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại, bằng hệ thống đường biển, đường hàng không, Quảng Ninh có đầy đủ tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu ra các thị trường quốc tế rộng lớn, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh hiện có ba cửa khẩu đường bộ quốc tế, bốn cảng biển quốc tế, một sân bay quốc tế, có năm khu kinh tế và 11 khu công nghiệp. 

Trong đó có ba khu kinh tế cửa khẩu tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với thị trường trên 50 triệu dân, GDP trên 300 tỷ USD, đây là cửa ngõ ASEAN vào Trung Quốc, nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN-Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore…

Ngoài ra, Quảng Ninh có khu kinh tế ven biển Vân Đồn được định hướng phát triển thành khu dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế và khu kinh tế ven biển Quảng Yên định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ logistic và cảng biển. Đây là những yếu tố cốt lõi để Quảng Ninh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Với tài nguyên thiên nhiên quý báu bậc nhất, Quảng Ninh đang và sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, được biết đến trên toàn thế giới. Ông An cho rằng, trên con đường xây dựng du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế - thương mại của Quảng Ninh với các tỉnh trong nước và quốc tế.

Từ 2016 – 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 9.840 triệu USD, tăng bình quân 8,41%/năm. Một số mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng như: quần áo các loại tăng bình quân 116,69%, than các loại tăng bình quân 20,4%, sợi dệt các loại tăng 11,38%, xi măng tăng 7,2%...

Hàng hoá được sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong vòng 5 năm tới được dự báo là sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô, trong đó vẫn chủ yếu là xuất khẩu tại chỗ các loại hình dịch vụ, khoáng sản, năng lượng, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến thực phẩm, da giày và một số mặt hàng nông lâm thuỷ sản có thế mạnh. 

Một số mặt hàng mới sẽ có thế mạnh là xơ sợi, dệt may, thiết bị điện tử, công nghệ… Quảng Ninh sẽ đưa một số sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh từng bước hướng tới xuất khẩu vào một số thị trường.

Quảng Ninh xác định tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường cho hàng hoá xuất khẩu của tỉnh, song song với việc củng cố và phát triển các thị trường đã có và tìm kiếm các thị trường, bạn hàng mới.

Tỉnh sẽ nâng cao khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh một cách khoa học để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đặc biệt, địa phương này khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ kho vận và thực hiện các dịch vụ này. Tỉnh sẽ từng bước hình thành các trung tâm kho vận lớn, có tính kết nối cao, có khả năng ảnh hưởng chi phối trong khu kinh tế trọng điểm vịnh Bắc Bộ.

Quảng Ninh cũng xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, rút ngắn thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các dịch vụ hành chính, dịch vụ kiểm nghiệm hàng hoá xuất nhập khẩu, các thủ tục cấp phép, liên thông một cửa tại các cửa khẩu, cảng biển.