Fintech là chìa khóa giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau đại dịch

Phạm Sơn - 11:18, 14/05/2020

TheLEADERRút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các khoản tín dụng là cách tốt nhất để họ vững bước qua thời kỳ khó khăn.

Fintech là chìa khóa giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau đại dịch
Nhà cung cấp dịch vụ fintech có thể hiểu kỹ hơn về những doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Họ đang đối mặt với những khó khăn đến từ sự suy giảm nguồn cung, chuỗi cung ứng gián đoạn và thiếu hụt về tiềm lực tài chính.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Cụ thể, ở đa số các quốc gia, các doanh nghiệp này đóng góp tới khoảng 50% GDP cũng như cung cấp tới 70% việc làm cho người lao động. Trong bối cảnh khó khăn này, sự hỗ trợ về tài chính là phương pháp duy nhất để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại trong khủng hoảng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tạo ra những thương tổn chí mạng cho nền kinh tế, chỉ có chưa đến 15% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển có đầy đủ quyền tiếp cận với những gói tín dụng cần thiết cho sự tăng trưởng. Điều này là một bất cập không hề nhỏ, gây ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của các nền kinh tế.

Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng mỗi năm của các công ty vừa và nhỏ rơi vào khoảng 5,2 nghìn tỷ đô la Mỹ. Dự kiến, trong năm nay, con số sẽ còn cao hơn nữa vì ảnh hưởng của đại dịch.

Các phương thức cho vay vốn truyền thống không còn phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một sự thật cần phải được nhìn nhận là phương thức cho vay truyền thống không thể giải quyết được sự thiếu hụt trong tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như không phù hợp với điều kiện thực tế của các doanh nghiệp này.

Các chủ doanh nghiệp có quy mô không lớn ở những nền kinh tế đang phát triển rất hiếm khi sở hữu tài sản thế chấp để đáp ứng khoản vay tài chính mà họ cần, cũng như không có thời gian để làm thủ tục tại chi nhánh ngân hàng, và càng không thể chờ đợi 6 – 8 tuần cho một lời hẹn “có thể sẽ được vay”.

Ngoài ra, mô hình cho vay truyền thống còn cung cấp cho các định chế tài chính quyền truy cập vào các dữ liệu trên báo cáo tín dụng. Ở những nước đang phát triển, việc tăng điểm tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là khá khó khăn, dù đang được cải thiện nhưng chắc chắn cần một thời gian rất dài mới có thể đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Ngay cả khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hoàn tất thủ tục kiểm toán, báo cáo thuế và dự báo kết quả sản xuất kinh doanh trong 5 năm, thì yêu cầu cho vay của doanh nghiệp cũng sẽ mất nhiều tuần để xử lý, và cơ hội được chấp nhận cũng không hề cao.

Công nghệ Fintech đem lại phương pháp tiếp cận nguồn vốn vay mới

Gần đây, một số công nghệ cho vay vốn dựa trên nền tảng fintech đang được phát triển, tạo ra một mô hình mới nhanh, dễ dàng, minh bạch và tiết kiệm hơn. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chia sẻ thông tin của mình để đổi lấy quyền tiếp cận với các nguồn tín dụng cần thiết để xây dựng công ty.

Bằng việc sử dụng công cụ phân tích tiên tiến cùng trí tuệ nhân tạo để đánh giá giao dịch và các dữ liệu thay thế (dữ liệu đơn giản như bảng sao kê ngân hàng cho thấy dòng tiền của các doanh nghiệp), nhà cung cấp dịch vụ fintech có thể hiểu kỹ hơn về những doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn. Thông qua đó, một bản đánh giá tín dụng của doanh nghiệp cũng như rủi ro của khoản vay sẽ được thiết lập nhanh chóng, và vốn sẽ được cấp cho doanh nghiệp đăng ký vay chỉ trong vòng 24 giờ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng công nghệ nói trên sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa họ thoát khỏi tình trạng ngặt nghèo và áp lực đang đè nặng bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, cũng như góp phần khơi dậy tiềm năng để hồi phục và phát triển vững mạnh trong tương lai.

Ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh tại châu Âu và châu Mỹ, các công ty cung cấp dịch vụ vay vốn trên nền tảng fintech điển hình như Lydia đang hoạt động rất mạnh mẽ, với các gói vay tối thiểu là 150 đô la. Hoạt động của các công ty này được đánh giá tích cực trong việc sản sinh ra một thế hệ doanh nhân mới, mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết tình trạng thất nghiệp cũng như dân chủ hóa hoạt động vay vốn tín dụng.

Đặc biệt, trong bối cảnh các lệnh giãn cách xã hội được thực thi, dịch vụ này còn phát huy vai trò quan trọng hơn nữa cùng với nhu cầu vay vốn để trang trải của doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ đang ở những bước khởi đầu. Tương lai phát triển việc áp dụng công nghệ fintech vào quá trình vay vốn rất cần sự hợp tác, trao đổi dữ liệu giữa những nhà quản trị, những ông trùm công nghệ, các nhà cung cấp dịch vụ và các định chế tài chính. Sự hợp tác này nếu được kết hợp với các gói kích thích kinh tế của chính phủ sẽ tạo ra nguồn lực vô cùng mạnh mẽ giúp nền kinh tế và cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ nhưng chiếm phần lớn nền kinh tế có đủ sức đương đầu với cơn sóng thần mang tên Covid-19.

Tác động trong dài hạn của đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể đong đếm được. Tuy vậy nhu cầu vay vốn tăng cao trong thời gian qua do ảnh hưởng của sự lây lan dịch bệnh có thể là động lực giúp thúc đẩy quá trình số hóa ngành tài chính.

Rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các khoản vay tín dụng chính là cách tốt nhất để họ vững bước qua thời kỳ khó khăn, đảm bảo hồi phục và phát triển kinh tế toàn cầu trong tương lai.