'Gai bê tông' trên đèo Mã Pì Lèng: Đừng để du lịch thành kẻ thù của du lịch

Kiều Mai - 10:38, 09/10/2019

TheLEADERPhát triển du lịch thiếu quy hoạch và kiểm soát của bàn tay nhà nước có thể dẫn đến nguy cơ phá hỏng ngành du lịch.

Tranh cãi về công trình khách sạn, nhà hàng, trạm dừng Mã Pì Lèng Panorama vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nằm ở vị trí đắc địa nhất cho việc ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản và sông Nho Quế, Mã Pì Lèng Panorama được không ít người ủng hộ khi giúp du khách có điểm dừng chân và tham quan.

Nhìn từ đèo Mã Pì Lèng: Đừng để du lịch thành kẻ thù của du lịch
Sông Nho Quế dưới chân đèo Mã Pì Lèng thời chưa xây thuỷ điện.

Mặc dù là cung đường ngắm cảnh tuyệt vời, đèo Mã Pì Lèng lại thiếu vắng dịch vụ, chỉ có một điểm ngắm cảnh duy nhất do Nhà nước xây dựng ở giữa đèo. Phía ngoài luôn có vài người dân bán khoai nướng, trứng nướng và một số sản vật địa phương.

Khách tham quan thường chỉ dừng chân trung bình vài chục phút để chụp ảnh rồi tiếp tục hành trình, thậm chí thời gian dừng còn ít hơn nếu vào những ngày nắng nóng.

Có thêm nơi ăn, ở cùng những tiện ích sinh hoạt cơ bản, du khách sẽ nán lại qua đêm nhiều hơn để thưởng thức không khí núi rừng, gia tăng thời gian lưu trú của khách du lịch cũng như thu hút thêm khách mới.

Bên cạnh đó, mặc dù đèo Mã Pì Lèng có nhiều cảnh đẹp, các khu vực ngắm cảnh thường nguy hiểm, do dốc dựng đứng nên hạn chế sự tham quan của du khách.

Việc có thêm nơi dừng chân, nơi ngắm cảnh cùng các tiện tích và dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê được đánh giá sẽ góp phần gia tăng sức hút du lịch.

Đặc biệt, đối với một khu vực còn nhiều khó khăn như cao nguyên đá Đồng Văn, phát triển du lịch sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm và là "nguồn sống" mới cho kinh tế địa phương.

Những người theo trường phái ủng hộ cho rằng điều quan trọng là còn thiếu một quy hoạch về xây dựng tránh làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ vốn của của đèo Mã Pì Lèng và dòng Nho Quế huyền thoại.

Cùng với đó, các ngôi nhà để ngắm cảnh và làm điểm dừng chân nên được phát triển theo cấu trúc nhà của người Mông nhưng có thêm những nét hiện đại phù hợp với bản sắc dân tộc thay vì những ngôi nhà hiện đại, đa màu sắc, tạo nên cái “gai bê tông” giữa thiên nhiên hùng vĩ như toà nhà Mã Pì Lèng Panorama.

Trái ngược với những ủng hộ, nhiều người cho rằng Mã Pì Lèng Panorama đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên ban tặng cho vùng cao này, trở thành “chiếc răng sâu” hay “gai bê tông” giữa khung cảnh một bên là núi đá, một bên là vực sâu hun hút.

Việc xây khách sạn, nhà hàng trên di sản và thắng cảnh quốc gia dù có lộng lẫy cũng chỉ như hình ảnh con ngựa trong câu chuyện “Đẹp mà không đẹp” khi được vẽ lên bức tường.

Luồng ý kiến này đánh giá sức hấp dẫn của Mã Pì Lèng đến từ vẻ hoang sơ, mộc mạc trong cảnh vật cùng chính con người nơi đây và điều này sẽ bị phá vỡ nếu những công trình tương tự được nhân bản dọc theo con đèo được xây dựng bằng bàn tay của hàng nghìn dân công và thanh niên xung phong suốt từ năm 1959 đến 1965.

Những năm trước đây, khi du lịch chưa phát triển, hầu như không có ngôi nhà nào dọc theo con đèo dài hơn 20km nối thị trấn Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi số lượng du khách có vẻ đông lên, ngoài Mã Pì Lèng Panorama đã xuất hiện thêm những ngôi nhà nhỏ của người dân địa phương.

Những ý kiến phải đối Mã Pì Lèng Panorama cho rằng, nếu muốn phát triển du lịch địa phương, có thể xây khách sạn, nhà hàng ở hai đầu con đèo, đó là thị trấn Mèo Vạc và Đồng Văn, và lấy thắng cảnh đèo Mã Pì Lèng hoang sơ làm sức hút chứ không nên xây công trình lưu trú “bê tông hoá” con đèo.

Nhìn từ đèo Mã Pì Lèng: Đừng để du lịch thành kẻ thù của du lịch 1
Công trình Mã Pì Lèng Panorama.

Không chỉ ở Mã Pì Lèng, sức nóng của du lịch kéo theo sự bùng nổ về các công trình khách sạn cũng như tiện ích cho du khách dẫn đến ảnh hưởng đến thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, giống như một số địa điểm hiện nay đang phải trải qua.

Tại Sa Pa, cửa ngõ đến với những thửa ruộng mang tính biểu tượng cũng như các làng bản dân tộc nguyên sơ, các khách sạn cùng nhiều công trình du lịch khác đã huỷ hoại vẻ đẹp mộc mạc trước đây cũng như chất lượng chung về trải nghiệm của du khách.

Vài năm trở lại đây, du khách không còn cảm nhận được sự yên bình, nét thuần khiết của vùng quê miền núi mà thay vào đó là hình ảnh Sa Pa như một công trường xây dựng, bụi bặm và tắc nghẽn giao thông.

Chính điều này đã tác động ngược trở lại, khiến nhiều du khách không còn mặn mà với Sa Pa.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở Tam Đảo, với những toà nhà bê tông mọc lên san sát trên đỉnh núi, trông không khác gì những con phố chật hẹp và đông đúc chốn thị thành.

Không chỉ có hiện tượng “bê tông hoá” thiên nhiên, đó còn là tình trạng ô nhiễm môi trường do các khách sạn, nhà hàng xả thải hay khách du lịch vứt rác bừa bãi trên bãi biển. Giữa năm nay, Đà Nẵng đã xử phạt chín khách sạn vì xả thải ra biển.

Du khách tìm đến các điểm đến văn hóa như Hà Giang, Sa Pa vì sự yêu mến với nét văn hóa địa phương, hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải tìm đến sự tấp nập, những công trình san sát như những khu đô thị.

Nếu không có những nỗ lực bảo tồn danh thắng và văn hoá địa phương trước cơn lốc du lịch, sự hấp dẫn về du lịch sinh thái và văn hóa đang đứng trước rủi ro sẽ mất dần.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng nhi nét đặc trưng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên bị phai mờ trước cơn lốc du lịch, sự phát triển du lịch sẽ chính là kẻ thù của du lịch. 

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế là hai yếu tố song hành. Thúc đẩy phát triển văn hóa là một phần tất yếu trong công cuộc phát triển nền kinh tế sáng tạo và sự phát triển cần được tiếp diễn trên phạm vi rộng theo hướng tôn trọng và thúc đẩy nền văn hóa. Nếu được như vậy, cả hai lĩnh vực sẽ đều được hưởng lợi.