Khó xử với ngôi nhà gây tranh cãi trên đèo Mã Pì Lèng
Nguyễn Văn Mỹ*
Thứ ba, 08/10/2019 - 09:38
Vụ việc toà nhà 7 tầng được xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng thể hiện ISO năng lực quản lý về bảo tồn và phát triển hiện nay của Việt Nam.
Những ngày qua, dư luận bỗng dậy sóng vì toà nhà xây trên đèo Mã Pì Lèng, danh thắng quốc gia nổi tiếng. Được mệnh danh là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, Mã Pì Lèng luôn nằm trong chương trình du lịch “Đại ngàn đá Hà Giang”.
Cung đường làm bằng tay
Đèo Mã Pì Lèng nối thị trấn Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc và nằm trong cao nguyên đá Đồng Văn, công viên địa chất toàn cầu được kiến tạo bởi các trầm tích đá và hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm nhiều vết trượt và nứt do địa chấn.
Cảnh quan hùng vĩ, lởm chởm đá dựng, vực sâu sông Nho Quế như con rắn khổng lồ xẻ đôi, một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là Sam Pun với cửa khẩu thông thương từ Xín Cái (Hà Giang) sang Điền Đông (Trung Quốc).
Trước những năm 1960, hơn 80.000 người H’Mong thuộc bốn huyện sau các dãy núi của cao nguyên Đồng Văn, chỉ có thể vượt Mã Pì Lèng bằng cách đóng cọc, treo dây trên vách đá, để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh được gọi là Dốc Trời. Người Pháp đến đây từ 1900, cũng không thể mở đường.
Đường đèo ngày nay mang tên con đường Hạnh Phúc, được khởi công ngày 10/9/1959 với sự tham gia của hơn 1.300 thanh niên xung phong và 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc của tám tỉnh phía Bắc. Với 2.946.321 lượt ngày công, đục khoét 2.899.638m3 đá bằng tay, công trình hoàn thành ngày 15/6/1965 như một kỳ tích lao động thủ công.
Mã Pì Lèng dài 21 km, chưa phải là đèo dài nhất nhưng rất hiểm trở và chỉ dành cho xe du lịch 29 chỗ trở xuống.
Đến Đồng Văn và Mèo Vạc, ai cũng không cưỡng được nét quyến rũ mê hoặc, phải dừng lại selfie và ngoạn cảnh từ đỉnh đèo. Mấy năm nay, đường được nâng cấp, có thêm bãi đậu xe như trạm dừng tự nhiên cho du khách.
Nguồn cơn cớ sự
Công trình khách sạn – nhà hàng – trạm dừng Mã Pì Lèng Panorama khá hoành tráng với 7 tầng, dựa vào vách đèo, vừa đưa vào hoạt động trên đỉnh. Toà nhà cheo leo ở vị trí đắc địa nhất để ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản sâu nhất Đông Nam Á và sông Nho Quế như dải lụa xanh giữa núi non hùng vĩ.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama được xây giật cấp men theo vách núi và nổi bật giữa màu xanh tự nhiên của núi rừng. Cũng từ đây, nhiều hình đẹp từ Mã Pì Lèng tràn ngập facebook và zalo.
Và cũng từ đó, dư luận dậy sóng. Các chuyên gia bảo tồn thì quyết liệt đòi tháo dỡ. Du khách cũng phân hóa. Số đã vào sử dụng dịch vụ tỏ ra thích thú. Số khác phản đối vì công trình làm xấu môi trường. Không ít ý kiến được đưa ra từ phòng lạnh, bởi chủ nhân chưa từng đặt chân tới vùng đất này, chỉ nhìn ảnh và “phán”.
Chính quyền và các cấp quản lý thì lưỡng lự. Chủ nhân đưa ra đủ lý lẽ thuyết phục dư luận cho công trình tồn tại.
Có người bảo “Mã Pì Lèng là điển hình cho mâu thuẫn đối kháng giữa bảo tồn và phát triển, giữa môi trường và du lịch”. Tôi không tin như vậy. Chỉ có xung đột giữa các nhóm lợi ích và cộng đồng. Cuộc sống và sự việc nào cũng luôn có hai mặt. Bảo tồn để phát triển chứ không thể giữ nguyên hiện trạng. Khi tất cả tiến lên thì dậm chân tại chỗ là thụt lùi.
Phát triển chỉ bền vững khi biết bảo tồn. Cặp đôi này có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại và thúc đẩy, chứ không triệt tiêu lẫn nhau. Quan trọng và cốt lõi là cách làm. Mâu thuẫn đối kháng là do làm sai. Mọi việc phải dựa trên lợi ích cộng đồng bền vững, trong đó có các nhà đầu tư.
Kinh nghiệm giúp bà con các dân tộc làm du lịch cộng đồng đúng chuẩn của CBT Travel càng khẳng định điều đó mà homestay A Chu ở Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La – “Điểm du lịch công đồng tiêu biểu nhất năm 2018” do Tổng cục Du lịch công nhận là minh chứng.
Nhà sàn người H’ Mông thấp lè tè. Muốn làm homestay, phải nâng sàn, trên làm nhà ngủ, dưới làm nhà ăn, lễ tân, phòng khách. Chỗ ngủ không thể để nguyên xi như người bản địa mà dùng nệm 2 tấc, ga trắng như khách sạn chuẩn. Các đầu bếp 5 sao sẽ giúp bà con chế biến món ngon theo nguyên liệu địa phương…
Nhờ du lịch, khách đến nườm nượp, văn hóa dân tộc được phát triển. Từ trang phục, làng nghề, văn nghệ đến phong tục, ẩm thực, kiến trúc… được khôi phục và phát huy.
Nếu khăng khăng “giữ nguyên hiện trạng” thì cuộc sống hiện đại sẽ xóa sổ mọi thứ theo thời gian, cơn lốc cơm áo gạo tiền sẽ cuốn phăng tất cả. Đến các di tích cũng phải được trùng tu và nâng cấp nữa là con người.
Giải quyết theo hướng nào?
Công trình trên đèo Mã Pì Lèng là bài toán nhân - quả. Nhân nào thì quả đó.
Nếu phải tháo gỡ toàn bộ thì thiệt hại ai phải chịu. Người dân không thể tự ý xây dựng, không thể bắt họ chịu. Họ có thể kiện các đơn vị cấp phép, dù chưa hoàn thiện. Dù người dân sai chăng nữa thì các cấp quản lý ở đâu suốt thời gian họ thi công mà không xử phạt và buộc dừng lại. Hỏi tức là đã trả lời.
Nếu cho tồn tại cũng không ổn vì sẽ khuyến khích những cách làm tương tự. Cứ làm đại rồi cù nhầy rút kinh nghiệm, đổ tại và bị đủ thứ và hòa cả làng. Tại sao người này làm được mà người khác thì không? Phải làm chuồng trước khi mua bò và không chờ nước đến chân mới nhảy. Nếu thay đổi công năng thì cải tạo thế nào, ai quản lý.
Tại danh thắng này, rất cần một trạm dừng chân cho du khách chụp hình, vệ sinh, ăn uống nhẹ. Các nước đều làm như vậy. Thay cho hội chứng bê tông cốt thép như lô cốt thì sử dụng vật liệu nhẹ, tự nhiên tại chỗ; gần gũi và hài hòa với môi trường. Bài học tệ hại về cảnh quan và môi trường ở khách sạn thác Bản Giốc vẫn chưa đủ cảnh báo.
Tôi không dám bàn sâu hướng giải quyết cụ thể. Nhưng có những chuyện phải làm để vụ việc tương tự không “sinh sản vô tính” ra nhiều nơi. Đó là quy hoạch tổng thể việc xây dựng và phát triển dịch vụ ở các danh thắng, khu bảo tồn. Quy định trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp. Phải bắt đầu từ Nhân, chứ không đợi Quả với rất nhiều hệ lụy.
Vụ việc Mã Pì Lèng thể hiện ISO năng lực quản lý về bảo tồn và phát triển hiện nay của Việt Nam.
*Bài viết thể hiện quan điểm tác giả Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.