Giá bất động sản công nghiệp lập đỉnh mới

Phương Linh - 15:52, 20/11/2020

TheLEADERGiá bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao do thiếu vắng nguồn cung trong bối cảnh nguồn cầu vẫn liên tục tăng mạnh.

Giá bất động sản công nghiệp lập đỉnh mới
ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam

Theo dữ liệu từ Sách trắng Bất động sản Công nghiệp Việt Nam năm 2020 của Savills, giá bất động sản công nghiệp tại TP. HCM đã đạt 147 USD/m2 cho một chu kỳ thuê, tỉnh Long An đạt mức 123 USD/m2. Tại Hà Nội, giá đạt mức 129 USD/m2 và Bắc Ninh đạt 95 USD/m2.

Giá bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ở mức cao do nguồn cầu lớn trong khi nguồn cung hạn chế. Điều này dẫn đến tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh thành phố trọng điểm hiện đều ở mức cao. 

Tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy lên đến 90% tại Hà Nội, 95% tại Bắc Ninh, 89% tại Hưng Yên và 73% ở Hải Phòng. Khu vực phía Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 88% tại TP. HCM, 99% tại Bình Dương, 94% tại Đồng Nai, 84% tại Long An và 79% tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, việc tăng giá thuê đất sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy các dự án trong thời gian tới do đây là một trong những yếu tố được quan tâm chính của nhiều nhà đầu tư ngành công nghiệp giá trị cao như điện tử và thiết bị công nghệ. Ông đặc biệt lưu ý khi giá thuê đất vượt quá ngưỡng trung bình. 

Bên cạnh đó, nguồn cung quỹ đất sẽ tăng với 561 khu công nghiệp trong tương lai dự kiến sẽ tác động nhiều đến và giá thuê đất. Hiện tại, các tỉnh trọng điểm đã có tỷ lệ lấp đầy cao, đồng nghĩa với việc quỹ đất còn lại sẽ có giá cao.

Đánh giá về diễn biến thị trường sau 9 tháng đầu tiên của năm 2020, ông John Campbell cho rằng trong những năm tới, đặc biệt là năm 2021 và 2022, sự quan tâm trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục đổ dồn vào nguồn cung và Chiến lược “Trung Quốc + 1”.

“Xu hướng “Trung Quốc + 1” dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp. Các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm. Việt Nam đang đứng đầu so với nhiều nước khác ngoài Trung Quốc, đây sẽ là trọng tâm lớn trong những năm tới. 

Về nguồn cung đất, Việt Nam đang có một số dự án hấp dẫn sẽ ra mắt vào năm tới, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Đây sẽ là những cái tên giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư phát triển khu công nghiệp Vinhomes sẽ lần lượt ra mắt các khu công nghiệp mới tại Hải Phòng, Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và TNI Holdings với các khu công nghiệp mới cũng mang đến nguồn cung cần thiết cho Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Dự kiến sẽ có không ít các khoản đầu tư giá trị cao tại các khu vực này.

Mới đây, Vụ Quản lý các khu kinh tế công bố đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án khu công nghiệp sắp tới với diện tích trên 201.000 ha. Trong số này 259 khu sử dụng 86 500 ha vẫn chưa được thành lập và chiếm 43,1% tổng diện tích mới.

Cũng theo thống kê từ Sách trắng Bất động sản công nghiệp 2020 của Savills, trong 20 dự án tiêu biểu ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam 9 tháng năm 2020, ghi nhận chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore.

"Trải thảm” đón các nhà đầu tư nước ngoài

Theo ông John Campbell, để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp. 

Đồng thời, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc.

Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cản thiện hơn cả. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng, cơ sở hạ tầng của Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện trong những năm vừa qua, hiện vẫn còn một số hạn chế. 

So với các nước trong khu vực ASEAN, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả các phân khúc. Đây là cơ hội rất lớn cho Chính phủ Việt Nam trong việc chú trọng cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vào.

Chính phủ Việt Nam đã tạo ra nhiều ưu đãi tại các khu vực kinh tế trên khắp cả nước. Việt Nam có nhiều lợi thế hấp dẫn về mặt địa lý, dân số lao động, chi phí đất đai, chi phí lao động, chi phí vận hành cùng với những chính sách phù hợp, thu hút các nhà đầu tư. Chính phủ có thể lập kế hoạch tương lai đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển phát triển hơn, không chỉ bắt kịp Indonesia, Thái Lan và các nước khác trong Đông Nam Á mà còn cần vượt ra khỏi tiêu chuẩn chung.

Phần lớn bất động sản công nghiệp được cung cấp bởi các nhà phát triển Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, chất lượng bất động sản công nghiệp đang diễn biến tốt. Điều này được cho thấy bởi sự gia nhập từ các chuyên gia, chủ đầu tư nước ngoài trong 10 năm qua và rất nhiều sự quan tâm trong 2-3 năm gần đây của các đối tác. 

"Hiện nay chúng ta nhận thấy sự cải thiện về chất lượng chào hàng, chất lượng của bất động sản và những thay đổi phức tạp hơn. Không chỉ bao gồm những ngành có giá trị thấp như hàng may mặc hay giày dép mà còn cả các lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi bất động sản chuyên biệt hơn. Trong tương lai, Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển của các trung tâm dữ liệu, hệ thống tiện ích để đáp ứng nhu cầu lớn của bất động sản công nghiệp”, ông Matthew Powell đánh giá.