Giá đất khu phố đi bộ Bùi Viện tăng vọt

Hà Mai Thứ tư, 23/08/2017 - 11:45

Kể từ khi được quy hoạch trở thành phố đi bộ thứ hai của TP. HCM sau Nguyễn Huệ, giá bất động sản bán, cho thuê ở đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) tăng chóng mặt.

Giá thuê mặt bằng kinh doanh ở phố đi bộ Bùi Viện đang tăng chóng mặt. Ảnh: Ngọc Dương.

7 tháng, giá tăng 131%

Theo một báo cáo của Công ty TNHH MTV Gạch Vàng vừa công bố, giá đất các tuyến đường quanh khu Bùi Viện (Q.1) tăng vọt sau khi khu phố Tây được “thay áo” trở thành phố đi bộ. Trong hơn 2 quý vừa qua, tỷ lệ tăng giá đất bình quân tại khu vực này đạt mức 34,7%, có những cung đường sầm uất ghi nhận biên độ tăng giá từ 50 - 130%. Cụ thể, giá đất đường Bùi Viện tăng 59%, giao dịch ở mốc 508,65 triệu đồng/m2. Giá đất các đường xung quanh cũng không ngoại lệ. Thời điểm tháng 1/2017, giá đất tuyến đường Đề Thám, thuộc P. Phạm Ngũ Lão, đoạn đi ngang Bùi Viện ở mức 194,8 triệu đồng/m2 thì đến đầu tháng 8 vừa qua đã chạm mức 450,5 triệu đồng/m2, tăng 131%.

Báo cáo này nhận định, đây là cung đường có tốc độ tăng giá “kinh khủng” nhất khu phố Tây. Đường Cống Quỳnh, đoạn thuộc P. Nguyễn Cư Trinh chỉ cách phố đi bộ Bùi Viện vài bước chân, cũng tăng giá chóng mặt. Trong 7 tháng, đất mặt tiền tuyến phố này từ 319,8 triệu đồng/m2 đã lên 518,5 triệu đồng/m2, tăng 62%. Còn giá đất tuyến đường Nguyễn Thái Học, đoạn ghép với Phạm Ngũ Lão và Đề Thám tạo thành khu tứ giác bao quanh phố đi bộ Bùi Viện, ghi nhận mức tăng 48%, chạm ngưỡng 472,5 triệu đồng/m2. Nghiên cứu này cũng chỉ rõ, 10 tuyến đường đi ngang, bao quanh hoặc dẫn về phố đi bộ Bùi Viện có mức giá đất trung bình khoảng 430 triệu đồng/m2. Cao nhất thuộc về đường Lê Lai, xấp xỉ 600 triệu đồng/m2, và cuối bảng xếp hạng này là đường Nguyễn Thái Học, đoạn gần cầu Ông Lãnh, có giá 440 triệu đồng/m2.

Giá đất tăng chóng mặt trong thời gian quá ngắn dẫn đến không ít chuyện bi hài, người hốt bạc, kẻ bỗng dưng mất lời. Anh H. (ngụ Q.3), chuyên mua nhà cũ, sửa sang lại rồi bán kiếm lời, kể cuối năm 2016 anh mua một căn nhà trong hẻm nhỏ đường Đỗ Quang Đẩu diện tích 42 m2, giá 3,5 tỉ đồng. Suốt gần nửa năm, từ lúc mua tới đầu năm 2017 anh rao bán nhưng không được. Cách đây hơn 2 tháng, có khách hỏi mua và giá cuối cùng được chốt là 3,9 tỉ đồng. "Bán được cũng mừng vì làm nghề này, lời nhiều không phải vấn đề quan trọng nhất mà phải mua nhanh - bán nhanh. Thế nhưng vừa bán xong thì Bùi Viện thành phố đi bộ, căn nhà tăng giá vùn vụt. Mất lời ngay trước mắt mà đành chịu", anh H. kể với giọng tiếc rẻ.

Giá thuê mặt bằng cũng tăng theo

Tình trạng đất tăng giá đột biến “ăn theo” sức hút của phố đi bộ tại TP.HCM không chỉ xảy ra ở Bùi Viện. Trước đó, gần 700 m phố đi bộ Nguyễn Huệ kéo dài từ UBND TP.HCM đến bến Bạch Đằng được đánh giá là vị trí vàng đối với bất kỳ dự án bất động sản nào. Giá đất ở khu vực này đắt đỏ nhất cả nước, thậm chí là khu vực châu Á. Tính đến thời điểm tháng 4.2017, giá đất theo thị trường ở khu vực này dao động trong khoảng 1,2 - 1,3 tỉ đồng/m2. Theo một công ty khảo sát bất động sản tại TP.HCM, so với thời điểm phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa đưa vào hoạt động (tháng 4.2015), đến đầu năm 2016 giá thuê mặt bằng tại đây đã tăng thêm từ 15 - 25%.

“Từ khi có quy hoạch phố đi bộ Bùi Viện, đường bắt đầu lát gạch là giá thuê mặt bằng rục rịch tăng theo”, chị Lam, chủ một quán nhậu ngay giữa phố đi bộ Bùi Viện, chia sẻ. Theo chị Lam, trước đây chị chỉ thuê buổi tối, tầng 1 của căn nhà phố có diện tích khoảng 32 m2, giá 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên từ ngày khu phố Tây được chỉnh trang, nâng cấp thành phố đi bộ, chị bỏ thêm 10 triệu nữa thuê thêm cả ban ngày để bán đồ ăn sáng, tổng cộng 40 triệu đồng/tháng. Khi biết chúng tôi có ý định tìm thuê mặt bằng, chị khuyên suy nghĩ cho kỹ vì “cứ ham bán cho Tây nhưng có sung sướng gì đâu. Họ ăn còn trả giá ghê hơn mình. Phố đi bộ thì cũng chỉ mở có 2 ngày cuối tuần, khách chả tăng được bao, không kham nổi tiền nhà đang “dọa” tăng nữa”.

Tương tự, H. Anh (28 tuổi) đang “chạy ngược chạy xuôi” lo trả lại mặt bằng sau 2 tháng thuê tầng 3 của một căn nằm ngay đoạn Bùi Viện giao Đỗ Quang Đẩu. H.Anh kể bắt đầu thuê chỗ này từ tháng 6.2017, giá 17 triệu đồng/tháng cho 28 m2. Tuy nhiên, đầu tháng 8 vừa rồi, chủ nhà thông báo giá nhà tăng thêm 2 triệu, tức 19 triệu đồng/tháng. “Mình bán quần áo, phụ kiện, lại ở trên tầng 3 nên ít khách ghé. Khách ở đây chủ yếu Tây ba lô, sức mua của họ cũng không nhiều, phải dựa vào bán online trên mạng. Giá thuê tăng thế này chịu không nổi, chọn chỗ khác rẻ hơn, may ra còn có lời”, H.Anh nói.

Trong vai người muốn thuê mặt bằng, chúng tôi liên hệ một “cò” chuyên dắt mối thuê nhà khu vực Bùi Viện thì được biết mặt bằng khu vực này hiện giá tăng rất cao nhưng vẫn được “săn đón” nhiệt tình "cứ rao mấy ngày là có người thuê ngay". Cách đây tầm 1 tháng, giá một căn diện tích 32 m2 là 30 triệu đồng/tháng nhưng đến nay, căn có diện tích tương đương giá lên tới 60 triệu. “Bùi Viện bây giờ thành phố đi bộ rồi, giá 30 triệu đồng chỉ có thể thuê các căn nhỏ trong hẻm”, cò này cho biết.

Ông Phạm Lâm, CEO của Công ty DKRA Việt Nam, đánh giá Bùi Viện thành phố đi bộ, trở thành một điểm du lịch thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài thì nhu cầu thương mại gia tăng, kéo theo giá mặt bằng cũng tăng, đó là quá trình tất yếu. Nhưng giá bất động sản tăng đến mức nào sẽ phụ thuộc vào khả năng khai thác mặt bằng của người thuê, người mua. Nếu việc khai thác đáp ứng được điều kiện, nhu cầu của người sử dụng thì giá đất, giá nhà cao ở mức tương đương là hoàn toàn hợp lý. Còn nếu hiệu suất khai thác không đảm bảo, không phù hợp thì tự động người thuê sẽ xin trả mặt bằng, rời đi. Khi đó, mặt bằng giá sẽ được điều chỉnh theo thực tế thị trường.

Selex Motors đem giao thông xanh đến Đà Nẵng

Selex Motors đem giao thông xanh đến Đà Nẵng

Doanh nghiệp -  6 giờ

Selex Motors tin rằng, giải pháp "đổi pin như đổ xăng" sẽ thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam, cũng như sự phổ cập của xe máy điện.

Thách thức đưa ba luật liên quan đến bất động sản vào thực tiễn

Thách thức đưa ba luật liên quan đến bất động sản vào thực tiễn

Tiêu điểm -  6 giờ

Đẩy mạnh phổ biến và tập huấn các quy định mới về pháp luật đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản là một yêu cầu cấp bách

Coteccons tham vọng ‘Go Global’

Coteccons tham vọng ‘Go Global’

Doanh nghiệp -  8 giờ

Chủ tịch Bolat Duisenov chia sẻ, đây là chiến lược của mang tên “follow the client" – theo chân khách hàng của Coteccons.

Idico liên tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp

Idico liên tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp

Doanh nghiệp -  9 giờ

Việc được phê duyệt thêm những dự án khu công nghiệp mới hoặc mở rộng được kỳ vọng giúp Idico có nền tảng thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Chuyển nhầm tiền không lo khi đã có chuyên gia 'check var' ChatPay

Chuyển nhầm tiền không lo khi đã có chuyên gia 'check var' ChatPay

Nhịp cầu kinh doanh -  11 giờ

ChatPay của TPBank cập nhật hàng loạt cải tiến mới, giao dịch nhanh – tiện lợi, rảnh tay hơn bao giờ hết và vẫn bảo mật tuyệt đối với tính năng “paste to pay”.

CEO Truedoc: Khởi nghiệp lĩnh vực y tế không thể có đường tắt

CEO Truedoc: Khởi nghiệp lĩnh vực y tế không thể có đường tắt

Doanh nghiệp -  11 giờ

Startup Truedoc sau khi sáp nhập cùng AiHealth đã nhận đầu tư từ quỹ TNB Aura và trở thành một "hiện tượng" của thị trường khởi nghiệp trong mùa đông gọi vốn.

CEO Đào Thế Vinh chia sẻ về thị trường thịt thế giới và 'khẩu vị' của Golden Gate

CEO Đào Thế Vinh chia sẻ về thị trường thịt thế giới và 'khẩu vị' của Golden Gate

Phát triển bền vững -  12 giờ

"Nhu cầu nhập khẩu thịt của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trong năm 2025 khi thương mại thịt và các sản phẩm từ thịt trên thế giới được dự báo sẽ phục hồi sau 2 năm sụt giảm liên tiếp".