Giá vàng tăng mạnh lên cao nhất 9 năm

Nhật Hạ - 07:56, 25/02/2020

TheLEADERGiá vàng SJC chiều qua đã chạm mức 49 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ tháng 8/2011. Nguyên nhân là giá vàng thế giới tăng mạnh do lo ngại bất ổn kinh tế từ tác động của dịch cúm Covid-19.

Chốt phiên giao dịch chiều qua, giá vàng miếng tại tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã vọt lên mức 49 triệu/lượng (mua vào). Đây là mức cao nhất của giá vàng trong nước kể từ tháng 8/2011. Còn tại Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, giá bán ra tại Đà Nẵng thậm chí lên 49,3 triệu đồng/ lượng.

Chênh lệch giá mua và giá bán vàng miếng chiều qua giãn rộng đến 1,2 - 1,6 triệu đồng khi mua vào ở 47,7 triệu đồng/ lượng tại Doji và 47,8 triều đồng/ lượng tại SJC. Như vậy, vàng tăng 1,8 triệu đồng/lượng so với đầu ngày, tăng 2,7 triệu đồng/lượng so với chốt phiên trước đó.

Giá vàng hiện đã tăng 4,6 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong 1 tuần và đắt hơn 6,2 triệu đồng/ lượng so với cuối năm 2019, tương đương tăng 34%. 

Giá vàng trong nước tăng mạnh có nguyên nhân chính là giá vàng thế giới tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trong nước những ngày gần đây mạnh hơn so với thế giới. Như hôm qua, trong khi trong nước tăng tới 2,7 triệu đồng, thì giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 1,3 triệu đồng.

Trên thị trường quốc tế, tính đến chiều qua, giá vàng đã đạt đỉnh 7 năm kể từ tháng 1/2013, tiến sát ngưỡng kháng cự 1.690 USD/ounce, tăng gần 47 USD/ounce so với cuối tuần trước và tăng khoảng 100 USD/ ounce trong tuần trước. 

Giá vàng đang dẫn đầu trong các kênh đầu tư về tỷ suất sinh lời
Diễn biến giá vàng thế giới 24 giờ qua.

Giá vàng tăng phá kỷ lục nhiều năm được xác định là do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Theo các nhà phân tích, đại dịch này không chỉ khiến giới đầu tư trên toàn thế giới lo lắng và tìm tới các kênh đầu tư an toàn như vàng, mà còn làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới để bù đắp thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra. 

Dịch Covid-19 xuất phát tại Trung Quốc - quốc gia được coi là thị trường lớn về cung cầu và hiện đang làm đảo lộn trật tự thương mại của thế giới. Hơn nữa, khi kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng, hàng loạt quốc gia đã tung các gói kích cầu hỗ trợ tạo ra lượng tiền mặt lớn. Đây là mồi lửa cực tốt để giá vàng tăng cao và diễn biến phức tạp.

Những tác động tiêu cực của sự bùng phát dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu dường như đang gia tăng. Đặc biệt là không ai có thể chắc chắn về thời gian kết thúc dịch bệnh, điều này đồng nghĩa với dự đoán mức độ tác động đến kinh tế rất khó khăn. 

Do đó, giới đầu tư đang rất thận trọng sau khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới lên tiếng cảnh báo về các rủi ro lâu dài đối với kinh tế toàn cầu.

Theo Daniel Loiesemann, Chuyên gia phân tích của Ngân hàng Commerzbank, những lo ngại về dịch Covid-19 hiện đang lan rộng nhanh chóng ở các quốc gia như Ý và Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy tâm lý né các tài sản rủi ro của các nhà đầu tư và ‘tiếp nhiên liệu’ cho đà tăng của giá vàng. 

Ngoài ra, giá vàng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các thị trường bên ngoài như chỉ số đồng USD chỉ tăng nhẹ 0,2%, giá dầu thô giảm mạnh 2% và phần lớn hàng hóa thuộc ngành hàng thô đều đang chịu áp lực bán mạnh.

Cổ phiếu châu Á và châu Âu đã có một phiên rực lửa, trong đó, thị trường Hàn Quốc và Australia giảm mạnh nhất với mức gần 4%. Chỉ số VN-Index giảm gần 30 điểm, tương đương 3,19% vào hôm qua và đóng cửa phiên ở 903,34 điểm. Chỉ số VN30 cũng mất 31,49 điểm (3,62%), hiện còn 837,4 điểm. Chỉ số HNX-Index đã giảm 3,62% và UPCOM-Index giảm 1,9%.

Ngay sau khi mở cửa hôm qua, chứng khoán Italy cũng sụt giảm mạnh 4%. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 mất 2%. Đồng đôla Australia rơi xuống mức thấp nhất 11 năm, nhân dân tệ cũng tiếp tục giảm giá.

Ngoài ra, theo Richard Baker, chuyên gia phân tích của Eureka, khi giá vàng đạt mức cao nhất trong 7 năm thì đồng Yên Nhật lại suy yếu đến mức thấp nhất kể từ tháng 4/2019. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 về cơ bản đã loại bỏ đồng tiền nước này ra khỏi danh sách các loại tài sản trú ẩn an toàn trong thời điểm này. Điều này đã giúp vàng càng trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư. 

Đáng chú ý là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 do các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm sự an toàn trên thị trường trái phiếu. Hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo ngược trầm trọng hơn khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm ngày càng cao hơn trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thường được xem là tín hiệu dự báo của suy thoái kinh tế.