Giải pháp khai thác bền vững tài nguyên biển và hải đảo
Thu Tuyến
Chủ nhật, 11/06/2023 - 17:27
Hơn 3 nghìn km đường ven biển là lợi thế lớn giúp Việt Nam phát triển nhiều ngành kinh tế “tỷ đô” mang tính mũi nhọn như du lịch, vận tải, kho bãi, năng lượng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản…
Thời gian qua, nhận thức được tiềm năng của biển và hải đảo, các địa phương ven biển đều đang tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại hình kinh tế biển, trong đó đáng chú ý là những khu du lịch, khu nghĩ dưỡng, khu kinh tế, khu đô thị ven biển hay hệ thống cảng biến phục vụ giao thương, vận tải.
Tuy nhiên, vùng biển, ven biển và hải đảo cũng là nơi dễ chịu tổn thương nhất trước các tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt là những hiện tượng cực đoan đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng và khó dự đoán như mưa bão, thiên tai, nước biển dâng gây xói mòn và xâm nhập mặn…
Mặt khác, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và hải đảo vẫn còn có sự lãng phí, chưa có hiệu quả; còn nhiều hạn chế và bất cập trong quá trình bảo tồn môi trường và hệ sinh thái biển. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, một số tài nguyên quý giá của biển, đặc biệt phải kể đến như nguồn lợi thủy hải sản, hệ sinh thái rừng ngập mặn, rặng san hô… đang có dấu hiệu suy thoái, thậm chí suy thoái nghiêm trọng ở một số nơi.
“Biển bạc” cần được quan tâm
“Rừng vàng, biển bạc” là câu thành ngữ được cha ông sử dụng để ca ngợi sự trù phú, quý giá của tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường của UNDP Việt Nam, cho biết, thời gian gần đây, vùng biển, hải đảo chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Lấy ví dụ, nhiệm vụ quy hoạch không gian biển một cách bài bản đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Ông Lai chỉ ra, hiện nay, khoảng không gian lớn từ cách đất liền 6 hải lý ra đến hết thềm lục địa của Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều số liệu, chưa có đủ để xây dựng cơ sở nền tảng cho xây dựng quy hoạch.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc khai phá tiềm năng những ngành kinh tế biển như du lịch, thủy sản, khai thác dầu khí và đặc biệt là khai thác năng lượng…
Theo đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhưng cũng đặt mục tiêu phải trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Hai mục tiêu dài hạn này dường như trái chiều nhau bởi vừa yêu cầu tăng trưởng nhanh, vừa yêu cầu phát triển bền vững.
Muốn hài hòa 2 mục tiêu này, năng lượng tái tạo là yếu tố then chốt. Ông Lai cho biết, tính toán sơ bộ của UNDP khẳng định phát triển điện gió ngoài khơi là chìa khóa giúp Việt Nam đảm bảo thực hiện được cam kết quốc tế về giảm phát thải, đồng thời tạo ra động lực kinh tế đến từ việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cũng như xuất khẩu năng lượng tái tạo.
Để phát triển bền vững khu vực biển và hải đảo, ông Lai cho biết, điều kiện tiên quyết là thúc đẩy hợp tác quốc tế, bởi biển và hải đảo gắn liền với sự kết nối, giao lưu giữa các quốc gia.
Tiếp đó là dựa vào các dự báo, phân tích chi phí, lợi ích để phát triển hài hòa các ngành kinh tế biển. Ông Lai cho biết, theo kịch bản kinh tế biển xanh do UNDP và Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp thực hiện và công bố năm 2022, nếu đi theo kịch bản tối ưu hóa nguồn lực theo hướng cân bằng, 6 ngành kinh tế biển có thể tăng trưởng cao hơn 34% so với kịch bản thông thường.
Cuối cùng là sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò ban hành chính sách thấu đáo, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình quản lý, khai thác hay đồng quản lý với Nhà nước, như một mô hình đang rất thành công trong việc quản lý nguồn lợi thủy hải sản.
“Chúng ta có hơn 3 nghìn km đường ven biển, nếu như không có sự đồng quản lý của người dân thì chính quyền không thể đủ nhân lực bảo vệ tất cả nguồn lợi cũng như cơ sở hạ tầng ven biển”, chuyên gia của UNDP nhấn mạnh.
Về mặt kỹ thuật, ông Lai đưa ra 4 đề xuất để quản lý bền vững khu vực biển, ven biển và hải đảo.
Đầu tiên, quy hoạch một cách bài bản không gian biển, bao gồm cả quy hoạch ven biển và vùng từ cách đất liên 6 hải lý ra đến hết thềm lục địa. Hiện nay, mới chỉ có quy hoạch ven biển đang được Cục Biển và hải đảo xây dựng, dự kiến sớm trình Quốc hội phê duyệt.
Thứ hai, xác định ngành nghề kinh tế biển được ưu tiên, là ngành có đủ nguồn lực cũng như kiến thức để có thể khai thác một cách hiệu quả và bền vững.
Thứ ba, phối hợp giữa Trung ương và địa phương một cách nhịp nhàng, theo đó quy định rõ từng phần trách nhiệm nào thuộc về Trung ương, trách nhiệm nào do địa phương quản lý.
Cuối cùng, thông qua hợp tác, tận dụng kinh nghiệm quốc tế để phát triển các ngành kinh tế biển, ví dụ như thời gian vừa qua, Việt Nam đã hợp tác với Na Uy về nuôi trồng thủy sản.
Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển
Thời gian qua, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức nhiều sự kiện hội nghị, hội thảo. Theo Cục trưởng Cục Biển và hải đảo Nguyễn Đức Toàn, đây là những hoạt động thường niên, nhằm mục đích chung là tôn vinh các vùng biển, đại dương, đồng thời giúp công chúng và các nhà chính sách hiểu và có hành động thiết thực vì sự phát triển bền vững biển và đại dương.
Trước đó, đầu tháng 4/2023, Nghị quyết 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được ban hành. Trao đổi với phóng viên, ông Toàn cho biết, chiến lược được xây dựng nhằm thể chế hóa được các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Biển và hải đảo cho biết, chiến lược đặt ra các quan điểm, mục tiêu cần phải đạt được bao gồm khai thác hợp lý, hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển; kiểm soát, quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, kiểm soát các hoạt động kinh tế ven biển theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về bảo tồn hệ sinh thái, tăng diện tích các khu bảo tồn biển và khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đồng thời, tăng cường điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Từ những mục tiêu đó, ông Toàn đề ra một số nhóm công việc chính của Cục Biển và hải đảo.
Thứ nhất, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, tập trung xây dựng “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ” và “Quy hoạch không gian biển quốc gia”, với một trong những mục đích là phân vùng sử dụng biển, tránh mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, đảm bảo hài hòa lợi ích, quan tâm đến sinh kế người dân và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thực hiện định kỳ các công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc, đánh giá loại hình, tình trạng và nguồn gây ra ô nhiễm biển; đánh giá sức chịu tải môi trường, mức độ rủi ro môi trường cho phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Cục Biển và hải đảo cũng sẽ ưu tiên nguồn lực để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg năm 2019.
Thứ ba, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển, hải đảo, Cục Biển và hải đảo sẽ bảo vệ, duy trì hệ thống khu bảo tồn biển hiện có, đề xuất thành lập khu bảo tồn mới, đồng thời tăng cường điều tra, đánh giá, xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.
Thứ tư, về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo và có hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, Cục Biển và hải đào định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, ưu tiên các dự án về phát triển tài nguyên mới; dự án phục vụ cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các di sản văn hóa biển; dự án điều tra có tính chu kỳ đối với các loại tài nguyên, môi trường có sự biến động mạnh như nguồn lợi hải sản.
Cuối cùng, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; các công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển mới. Bên cạnh đó, thúc đẩy và củng cố hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, kiểm soát nguồn ô nhiễm xuyên biên giới; ứng phó sự cố tràn dầu cũng như các sự cố môi trường khác trên vùng biển Việt Nam.
Đẩy nhanh quy hoạch không gian biển là điều cần thiết, mở ra tiềm năng về phát triển điện gió ngoài khơi. Tuy vậy, những hạn chế về thông tin, dữ liệu, hay kinh nghiệm là những rào cản đang khiến quá trình này chậm lại.
Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài cung cấp vốn tự nhiên lớn, nên việc quản lý bền vững các khu vực biển và ven biển là công cụ quan trọng trong phát triển kinh tế biển xanh, thúc đẩy phát triển các ngành mới giúp tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.