Giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn kéo lãi suất giảm thêm

Trần Anh - 12:10, 18/09/2020

TheLEADERTrong bối cảnh thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) duy trì dự báo lãi suất huy động có thể giảm 80 – 100 điểm cơ bản tại các kỳ hạn trong cả năm nay

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2020.

Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình được giãn thêm 1 năm so với quy định cũ.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cuối quý 1 nhìn chung cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) đang đáp ứng khá tốt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Cụ thể, tỷ lệ này được ghi nhận tại ngân hàng thương mại nhà nước là 28,92%, tại ngân hàng thương mại cổ phần là 28,7%. Mặc dù số con số cao nhất được ghi nhận tại công ty tài chính, cho thuê nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng Thông tư 22/2019/TT-NHNN

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, động thái giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tuy vậy, thông tư mới này nhiều khả năng chưa tác động lớn tới hoạt động các ngân hàng trong ngắn hạn, do ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng các tỷ lệ theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Đây được xem là động thái cần thiết nhằm giúp các ngân hàng có dư địa nguồn lực để thực hiện mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp; đồng thời tiếp tục thực hiện Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ do Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, vượt qua đại dịch trong tương lai.

Theo đó, VCBS cho rằng xu hướng giảm sẽ tiếp tục duy trì trên lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động đã giảm tương đối trong tháng 8 và ngay tuần đầu tháng 9 cũng chứng kiến các kỳ hạn đồng loạt giảm 5-10 điểm cơ bản; theo đó, đưa lãi suất giảm 65 – 85 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay. 

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, VCBS duy trì dự báo lãi suất huy động có thể giảm 80 – 100 điểm cơ bản tại các kỳ hạn trong cả năm nay

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, có các lo ngại về khả năng xuất hiện áp lực cạnh tranh trong huy động tiền gửi giữa các ngân hàng. Mặc dù vậy, áp lực này không quá lớn do người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên tài sản an toàn và thanh khoản trong bối cảnh dịch bệnh và rủi ro lạm phát.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã phải chuyển hướng “sống chung an toàn với dịch bệnh” với dự báo tác động tiêu cực từ dịch còn kéo dài, các chính sách tiền tệ kết hợp tài khóa nới lỏng sẽ vẫn là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn 2-3 năm tới.

Theo đó, tùy vào bối cảnh thế giới, Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ tiếp tục có các biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là tiền đề để VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ ở mức thấp, bên cạnh đó là sự suy giảm lợi suất của các tài sản phi rủi ro.