Gỗ An Cường kinh doanh ra sao trước khi lên sàn chứng khoán?

Lan Anh - 08:33, 03/08/2021

Là doanh nghiệp chiếm thị phần gỗ công nghiệp lớn nhất nước, Gỗ An Cường thu về trên dưới 500 tỷ đồng lãi ròng mỗi năm. Doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi ròng đến năm 2025 sẽ vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Gỗ An Cường kinh doanh ra sao trước khi lên sàn chứng khoán?
An Cường chiếm thị phần lớn về gỗ công nghiệp tại Việt Nam

“Đại gia” ngành gỗ trong nước và khu vực

Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, An Cường hiện là doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và khu vực về vật liệu, giải pháp và nội thất làm từ gỗ công nghiệp. 

Công ty được sáng lập bởi ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, một chuyên gia được đào tạo bài bản tại Châu Âu và có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành gỗ công nghiệp. Những năm gần đây, danh sách cổ đông lớn của An Cường có sự tham gia của Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản), liên doanh giữa VinaCapital và DEG (Đức)...

An Cường đang sở hữu nhà xưởng rộng hơn 240.000 m2 được đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và vô cùng đa dạng nhằm phục vụ tối đa cho nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu đến các thị trường lớn như: Mỹ, Canada, Úc, Nhật, và khu vực Đông Nam Á … với doanh số xuất khẩu lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Trên thị trường, các sản phẩm của An Cường đang chiếm đến 55% thị phần nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam (phân khúc trung và cao cấp). Ban lãnh đạo đánh giá dư địa tăng thị phần còn nhiều và đặt mục tiêu hướng đến con số 70% thị phần trong nước.

Lợi nhuận xấp xỉ 500 tỷ đồng mỗi năm

Trong giai đoạn 2017-2020, An Cường ghi nhận doanh thu lần lượt 3.184 tỷ đồng, 3.873 tỷ đồng, 4.435 tỷ đồng và 3.754 tỷ đồng. Doanh nghiệp duy trì mức lãi sau thuế ở mức xấp xỉ 500 tỷ đồng mỗi năm.

Doanh thu tăng trưởng mạnh trong các năm qua nhờ vào cơ cấu khách hàng đa dạng, gia tăng công suất sản xuất và hệ thống bán hàng rộng khắp. Chỉ số CAGR đạt 28,6% trong giai đoạn 2014-2020.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng kép của sự trầm lắng của thị trường bất động sản và dịch Covid-19. Trong năm 2020, dù có sự sụt giảm về doanh thu, lãi sau thuế vẫn tăng nhẹ 1,2% so với 2019 và vượt 29% kế hoạch đề ra.

Bảng cân đối kế toán của An Cường tương đối lành mạnh với tỷ lệ tiền và tương đương tiền ở mức cao, nợ vay thấp. Công ty đã chủ động duy trì mức tồn kho cao theo chiến lược bán hàng để có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng là các công ty thiết kế, thi công và nhà thầu.

Gỗ An Cường kinh doanh ra sao trước thềm lên sàn chứng khoán? 1
Hệ thống nhà máy An Cường tại khu công nghiệp KBS - Bình Dương

Triển vọng tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận đến năm 2025

Trong giai đoạn 2021-2025, ban lãnh đạo An Cường kỳ vọng công ty tăng trưởng mạnh mẽ và biên lợi nhuận được gia tăng. Doanh thu dự kiến sẽ đi lên một cách vững chắc qua từng năm nhờ vào việc gia tăng công suất sản xuất và mở rộng thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu càng được đảm bảo hơn khi ngành bất động sản phục hồi và dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Công ty dự kiến đẩy mạnh hoạt động đầu tư, M&A và tối ưu hóa sử dụng dòng tiền bằng cách tìm kiếm doanh thu tài chính cao hơn thông qua các khoản đầu tư dài hạn. Đầu năm 2021, An Cường đã đầu tư vào Công ty Tập Đoàn Bất Động Sản Thắng Lợi. Trong đó An Cường vừa là cổ đông chiến lược vừa là nhà cung cấp. 

Bên cạnh đó, An Cường dự kiến rót tiền vào 3 dự án tiềm năng gồm: (i) Đầu tư Khu công nghiệp An Cường, (ii) Chuyển đổi cụm nhà máy Thái Hòa thành khu dân cư cao tầng và (iii) Xây dựng nhà máy MDF.

Mặt khác, An Cường tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động dựa vào việc gia tăng quy mô kinh tế trong sản xuất và chủ động tối ưu hóa sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, từ đó gia tăng lợi nhuận sau thuế.

Đại hội cổ đông của công ty cũng thông qua kế hoạch năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.872 tỷ đồng và 551 tỷ đồng tăng trưởng lần lượt 29,8% và 12% so với năm trước. 

Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng đặt ra mục tiêu lãi ròng đến năm 2025 sẽ đạt trên 1.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi kết quả thực hiện của năm 2020 (492 tỷ đồng).

Bất chấp những khó khăn từ dịch Covid-19, An Cường vẫn gặt hái những kết quả khả quan trong nửa đầu năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Công ty đạt 1.709 tỷ đồng doanh thu thuần và 237 tỷ đồng lãi ròng sau 6 tháng đầu năm 2021, tăng 6% và 43% so cùng kỳ.

Ngành gỗ vẫn đang “sáng cửa”

Ban lãnh đạo công ty đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng tương lai. Mặc dù doanh số bán căn hộ đã chững lại trước khi giảm mạnh vào năm 2020 do dịch bệnh và nhưng dự kiến sẽ có mức hồi phục 2 chữ số sau Covid.

Thị trường gỗ trong nước đang gặp thuận lợi với các động lực tăng trường chính: Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất sau Covid 19; sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản; đà tăng trưởng về số lượng người dùng cuối nhờ dân số trẻ; nhu cầu về lối sống hiện đại ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Trong khi đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vẫn rất đáng kể, do chuỗi cung ứng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, chi phí lao động thấp và nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm trước và đứng thứ 6 về giá trị kim ngạch trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trước đó, Chính phủ đặt mục tiêu cho năm 2021 là nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm đạt từ 14 đến 14,5 tỷ USD, tăng 10-11% so với năm 2020 và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025. Như vậy, ngành gỗ đã đạt hơn 60% mục tiêu của cả năm 2021 ngay trong 6 tháng đầu năm.