Việc TP. HCM giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho quận, huyện đang được kỳ vọng sẽ gỡ điểm nghẽn tồn tại lâu nay.
Thời gian gần đây, việc cơ quan có thẩm quyền chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã gây ra những bức xúc cho người dân và doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP. HCM.
Cụ thể, tại một hội thảo được tổ chức vào tháng 9/2020, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu đưa ra thống kê từ 12 doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, Quốc Cường Gia Lai, Him Lam… thì có tới 25.500 căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Trong đó, công ty có nhiều nhất gần 9.000 căn và ít nhất là 30 căn.
Ông Châu cho rằng việc chậm cấp sổ hồng không chỉ gây khó cho người mua nhà mà còn ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp vì khi bàn giao nhà, doanh nghiệp chỉ được thu 95% giá trị hợp đồng, đến khi có sổ hồng mới thu 5% còn lại.
Còn với người mua nhà, vì chờ lâu chưa được cấp sổ nên người dân bức xúc, tập trung căng băng rôn, khiếu nại gay gắt, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.
TP. HCM đã nhận ra vấn đề và có những hành động nhằm gỡ điểm nghẽn để đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân. Đơn cử như việc thành phố chia các dự án xây dựng nhà ở chung cư còn vướng pháp lý trên địa bàn thành hai loại để đề xuất phương án giải quyết.
Hay như việc UBND TP. HCM gửi lên Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Tài chính đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc trong khâu thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính.
Gỡ điểm nghẽn
Dù đã hành động nhưng thực tế, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vẫn còn chậm.
Mới đây, UBND TP. HCM vừa ban hành Quyết định về sửa đổi bổ sung một số điều của quy định giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố ban hành kèm Quyết định 36/2017 trước đó.
Theo quyết định này thì UBND TP. HCM cho phép Sở Tài nguyên và môi trường được ủy quyền cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện được phép ký cấp giấy chứng nhận thay vì chuyển về chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố ký như trước đây.
Quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, cũng như giảm tải khối lượng lớn hồ sơ gửi về Sở Tài nguyên và môi trường.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thì quyết định này mang tính đột phá, đúng tinh thần cải cách hành chính như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu mong mỏi của người dân.
Bởi vì, trước đây tình trạng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai thường bị tắc nghẽn, trễ hẹn, khối lượng hồ sơ trên địa bàn thành phố chuyển về Sở Tài nguyên và môi trường rất lớn. Trong khi, thời gian luân chuyển hồ sơ từ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện lên Sở và ngược lại mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, không thể nào giảm được ngày giải quyết hồ sơ.
Khi chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện được trao quyền, thời gian giải quyết thủ tục sẽ nhanh hơn, phù hợp với nhu cầu bức thiết của xã hội.
Tuy nhiên ông Lê Hoàng Châu đánh giá, thật ra nghị định 01/2017 của Chính phủ ban hành năm 2017 đã cho phép UBND cấp tỉnh, thành phố được ủy quyền cho văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Nghị định ra đời từ năm 2017 nhưng TP. HCM mới chỉ ủy quyền đến văn phòng đăng ký đất đai mà chưa ủy quyền đến chi nhánh của văn phòng đăng ký đất đai. Cho nên hành động vừa qua của TP. HCM là thực hiện quyền được ủy quyền đã quy định từ năm 2017.
Căn cứ vào quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đang được thực hiện: Nếu là nhà ở đơn lẻ của cá nhân và hộ gia đình thì UBND cấp huyện sẽ ký sổ đỏ. Trong trường hợp chuyển nhượng thì có hai giải pháp, một là cập nhật biến động tài sản vào trang 4 thì chi nhánh cấp quận, huyện ký, hai là trường hợp đổi qua sổ mới đứng tên chính chủ thì văn phòng đăng ký đất đai thành phố ký.
Còn hiện nay thành phố ủy quyền đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thì phải chờ văn bản ủy quyền cho các chi nhánh của Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thì lúc đó chi nhánh mới được ký.
Đối với căn hộ dự án chung cư thì cấp giấy lần đầu tiên cho khách hàng mua là Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường ký. Còn nếu cập nhật biến động ở trang 4 thì chi nhánh ký. Trường hợp cấp đổi chính chủ cho người mua lại thì văn phòng đăng ký ký. Trường hợp đến chi nhánh ký thì chờ văn bản ủy quyền.
Với quy trình như vậy, ông Châu đánh giá dù TP. HCM ủy quyền đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nhưng tiến độ vẫn sẽ chậm so với nhu cầu thực tế.
Dù đã đeo bám trong thời gian dài, thậm chí xin được ký quỹ đảm bảo với chính quyền nhằm mục đích hoàn tất khâu tính tiền sử dụng đất nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TP. HCM vẫn không thể xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ.
Vẫn còn quá nhiều vướng mắc gây khó cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam mặc dù Luật Nhà ở 2014 sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015 đã có nhiều quy định đột phá.
Sáng ngày 20/11/2024, tại trung tâm hội nghị sự kiện Gem Center (TP.HCM) đã diễn ra lễ ký kết đối tác chiến lược phát triển dự án CaraWorld. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn đưa CaraWorld trở thành điểm đến biểu tượng của thành phố Cam Ranh.
CT Group vừa tổ chức sự kiện tri ân ngày nhà giáo Việt Nam với sự góp mặt của đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trong và ngoài nước.
Gen Z, thế hệ lớn lên với công nghệ, mang đến phong cách làm việc linh hoạt, đa nhiệm nhưng cũng đặt ra thách thức cho nhà quản trị trong việc cân bằng giữa sáng tạo và kỷ luật.