Gỡ 'nút thắt' thị thực: Không thể chậm trễ nữa

An Chi - 08:00, 26/05/2023

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, chính sách thị thực (visa) đã kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch trong suốt thời gian dài, và đã đến lúc mở cửa mạnh mẽ nhằm giúp du lịch phục sau đại dịch.

Gỡ 'nút thắt' thị thực: Không thể chậm trễ nữa
Ngành du lịch Việt Nam đang nóng lòng chờ Quốc hội sửa đổi luật xuất nhập cảnh. Ảnh: Hoàng Anh

Không phải vô cớ tiến sỹ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch khẳng định nếu những đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thông qua tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ là lần điều chỉnh chính sách thị thực lớn nhất trong 30 năm trở lại đây và có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của du lịch.

Cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp du lịch và hàng không, cả trong nước và nước ngoài, ông Nam đã không biết bao lần kiến nghị sửa đổi chính sách thị thực thông thoáng hơn bởi thị thực là rào cản lớn nhất trong đối với chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và cũng như thu hút khách du lịch quốc tế sau một thời gian dài hầu như vắng bóng vì đại dịch Covid-19.

Mặc dù đã có rất nhiều kiến nghị nhưng trong suốt nhiều năm liền, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn được đánh giá là “khắt khe”, bởi nếu so sánh với các nước khác trong khu vực, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia, trong khi Thái Lan miễn thị thực cho 68 quốc gia, và Malaysia, Singapore khoảng 130 quốc gia.

Hơn nữa, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam là 15 ngày, ngắn hơn nhiều so với thời hạn được cấp cho khách du lịch ở các nước khác thường từ 30 ngày trở lên. Điều này không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch.

Chính vì thế, những đề xuất mới trong dự thảo luật xuất nhập cảnh được trình lên Quốc hội xem xét lần này được giới kinh doanh du lịch và các chuyên gia đánh giá là “bước đột phá lớn” trong chính sách thị thực, miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử cho khách du lịch nước ngoài, người nước ngoài đến Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo luật đã kéo dài thời hạn cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày.

Và thay vì chỉ có giá trị một lần như hiện nay thì dự thảo đã thông thoáng hơn khi quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch; đảm bảo cho người nước ngoài khách du lịch được xuất nhập cảnh nhiều lần để thực hiện các công việc kinh doanh cũng như các chương trình du lịchkết nối.

Đồng thời, dự thảo luật cũng nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày và có thể được gia hạn tạm trú cấp thẻ tạm trú nếu đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật.

Theo nhiều chuyên gia, dự thảo luật này nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển du lịch của Việt Nam và đặc biệt là kịp thời giúp ngành hàng không và du lịch phục hồi sau hơn hai năm kiệt quệ vì đại dịch Covid-19.

Khẳng định lại thị thực là rào cản lớn nhất của ngành du lịch và đã đến lúc cần mở cửa mạnh mẽ nhằm giúp du lịch, hàng không phục sau đại dịch, ông Nam cho biết ngành du lịch đang nóng lòng chờ Quốc hội sửa đổi luật xuất nhập cảnh ngay trong tuần tới và Bộ Ngoại giao đề xuất với Chính phủ mở rộng danh sách các nước được miễn thị thựcđơn phương để phát triển du lịch.

Ông Nam chỉ ra một thực trế là mặc dù Việt Nam thuộc nhóm mở cửa du lịch sớm nhất sau đại dịch Covid-19 với kỳ vọng sẽ nhân cơ hội này để có thể tạo cú nhảy vọt, đuổi kịp và vượt Thái Lan về việc thu hút khách du lịch quốc tế, song việc thu hút khách nước ngoài của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Minh chứng là năm 2022, Thái Lan đón được hơn 11,8 triệu lượt khách quốc tế, thu về 16 tỷ USD. Tỷ lệ phục hồi của Thái Lan cả về số lượt khách quốc tế là 25% và doanh thu từ khách quốc tế (28,6%) đều vượt xa Việt Nam. Đây là cơ sở đến Thái Lan phấn đấu thu hút 25 triệu khách quốc tế trong năm nay và đặt mục tiêu 80 triệu khách quốc tế mỗi năm vào năm 2027, gấp đôi con số của năm 2019.

Trong khi đó, chỉ số phục hồi của du lịch Việt Nam lại xếp cuối bảng trong khu vực. Nếu như trước dịch, năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng một nửa con số 40 triệu khách của Thái Lan thì sau đại dịch, năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách, bằng 1/3 Thái Lan.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế và con số này nếu đạt được cũng chỉ bằng 1/3 so với mục tiêu của Thái Lan. Tuy nhiên, việc đạt mục tiêu này cũng không dễ khi các quốc gia láng giềng đang tung ra rất nhiều chiến lược cạnh tranh và các chính sách của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn.

Thậm chí, có cảnh báo rằng Việt Nam có thể sẽ tiếp tục lùi xuống mức chỉ bằng 1/4 Thái Lan về thu hút khách du lịch quốc tế, nếu không có những chính sách đột phá, trong đó có chính sách thị thực thông thoáng bởi chính sách thị thực là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cũng cho rằng, chính sách cấp thị thực của Việt Nam không thể đi ngược lại xu thế mở rộng thời hạn miễn thị thực của các nước trên thế giới nhằm tăng sức cạnh tranh của du lịch.

Hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới, các cường quốc về du lịch có những chính sách thị thực rất thông thoáng và thuận lợi. Do đó, việc áp dụng chính sách miễn thị thực thông thoáng hơn là phù hợp nhằm góp phần thu hút khách du lịch quốc tế.

Việc mở rộng thời hạn lưu trú của khách du lịch tại các quốc gia là xu hướng chung của thế giới, nhất là nhằm đón các khách du lịch châu Âu, Mỹ, thường có những chuyến đi dài ngày. Đặc biệt, trong điều kiện một thế giới phẳng thì vấn đề về an ninh quốc gia cũng không còn nặng nề về chuyện khách du lịch hay thị thực như trước đây.

Chính vì vậy, việc "mở cửa" thị thực, tạo các chính sách thông thoáng và tiện lợi sẽ có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của du lịch Việt Nam, đưa ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có và theo kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tất nhiên, ngành du lịch cần nhiều yếu tố để giữ chân du khách, như chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, hệ thống cơ sở hạ tầng, khách sạn, các đường bay kết nối. Tuy nhiên, việc tăng thời gian miễn thị thực là điều có thể làm được ngay và nên làm càng sớm càng tốt nhằm giúp ngành du lịch phục hồi, ông Tú nhận định.