Hà Nội bỏ áp dụng giấy đi đường và phân vùng từ 21/9

Nhật Hạ - 22:10, 20/09/2021

TheLEADERHà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng và giấy đi đường từ 6h ngày 21/9.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại TP. Hà Nội vẫn còn, vẫn có một số chùm ca bệnh, tại một số khu vực mật độ dân cư đông, ngõ chật hẹp,… vì thế thành phố xác định nới lỏng một số hoạt động nhưng kèm theo là yêu cầu chặt chẽ về phòng dịch, Phó chủ tịch TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết tại buổi họp báo chiều 20/9.

Sau khi kết thúc đợt giãn cách thứ 4 vào ngày 21/9, mục tiêu hàng đầu đặt ra trong thời gian tới là giữ an toàn cho Thủ đô, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho người dân, điều chỉnh giải pháp an toàn, đảm bảo an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh dịch vụ phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Ông Dũng cho biết, thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng và bỏ cấp giấy đi đường từ ngày mai; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thành phố tiếp tục khuyến cáo người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết, thực hiện thông điệp 5K và khai báo y tế thường xuyên.

Thực tế vừa qua có những ca ho, sốt không khai báo, khi nhập viện mới phát hiện. Nếu khai báo sớm thì sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Chính quyền tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa hẹp trên địa bàn, truy vết thần tốc F0 nếu có, cách ly nguồn lây trong cộng đồng.

Hà Nội bỏ áp dụng giấy đi đường từ ngày 21/9
Phó chủ tịch TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng

Phó bí thư thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội Trần Ngọc Dương cho biết dự kiến thu hẹp các chốt kiểm soát ra vào thành phố đang thực hiện.

Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, duy trì 55 chốt trên địa bàn thành phố, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào thành phố và 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận. Trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở.

Quá trình kiểm soát, lực lượng chức năng chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và quét mã QR. Công an thành phố cũng duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn; chuẩn bị phương án chốt chặt tại các vùng phong tỏa, cách ly.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện, sở sẽ tạo điều kiện tối đa cho xe luồng xanh của các tỉnh đi qua Hà Nội, luồng vào thành phố vẫn kiểm soát như hiện nay.

Các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn thành phố tiếp tục tạm dừng. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu cho phép shipper công nghệ hoạt động lại, phù hợp với quy định cho phép bán hàng mang về.

"Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sau 21/9 được chúng tôi tham mưu cho thành phố trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa thực hiện chỉ thị 15, 16 và 19, đảm bảo hoạt động bình thường và yêu cầu chống dịch", ông Viện nói.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 20/9, thành phố đã ghi nhận tổng số 4.187 ca, trong đó có 1.311 ca ngoài cộng đồng.

Số ca mắc trung bình/ ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm rất mạnh còn 27,6 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày).

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện tại thành phố có 10 chùm ca bệnh mới/phức tạp, cụ thể: Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (584 ca); Văn Miếu, Đống Đa (118 ca); Văn Chương, Đống Đa (98 ca); Minh Khai, Hai Bà Trưng (60 ca); Thanh Liệt, Thanh Trì (19 ca); chung cư A1-A4-A5 Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai (23 ca); Tả Thanh Oai, Thanh Trì (10 ca), Việt Hưng, Long Biên (08 ca); Thụy Hương, Chương Mỹ (05 ca); Liên Phương, Thường Tín (4 ca).