Hãng chip tỷ USD của Mỹ mở rộng hoạt động tại Việt Nam

Hứa Phương - 10:30, 18/05/2024

TheLEADERHãng thiết kế chíp nổi tiếng của Mỹ là Marvell Techonology Group đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm lớn thứ ba của tập đoàn.

Hãng chip tỷ USD của Mỹ mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Hãng thiết kế chịp Marvell Techonology Group đang đẩy nhanh mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Marvell Việt Nam

Hãng thiết kế chip tỷ USD của Mỹ là Marvell Techonology Group vừa mở văn phòng ở Đà Nẵng với quy mô 50 nhân sự, theo tiến sĩ Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cấp cao về cloud optics của tập đoàn.

Ngoài ra, Marvell cũng sẽ lập văn phòng thứ hai ở TP.HCM ngay năm nay. Tiến sĩ Lợi cho biết, văn phòng mới này và các trung tâm kỹ thuật khác của Marvell tại Việt Nam sẽ tập trung vào các công nghệ vi mạch mới như kết nối quang, lưu trữ, công nghệ bán dẫn tín hiệu tương tự và tín hiệu hỗn hợp.

Đây là những công nghệ then chốt trong việc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng mới, nhằm đáp ứng nhu cầu về hiệu suất và tốc độ ngày càng gia tăng của các trung tâm dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Động thái này diễn ra một năm sau khi Marvell công bố thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Thời điểm đó, mục tiêu của ông lớn thiết kế chip là đưa Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của tập đoàn bên cạnh ba trung tâm ở Mỹ, Ấn Độ và Israel.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mục tiêu của Marvell đã thay đổi khi kỳ vọng đưa Việt Nam là một trong ba trung tâm của hãng sau Mỹ và Ấn Độ.

Marvell bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2013 với khoảng 10 kỹ sư. Nhân sự của Marvell Việt Nam tăng nhanh trong khoảng hai năm gần đây, hiện đạt quy mô 400 người, trong đó 97% là kỹ sư.

"Những năm tới, chúng tôi sẽ tăng trưởng khoảng 20%/năm về quy mô nhân sự, hướng tới cột mốc 500 kỹ sư”, tiến sĩ Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam kỳ vọng.

Trong năm 2024, Marvell Việt Nam dự kiến tuyển mới 60 kỹ sư và cấp 30 học bổng.

Ông Đạm đánh giá kỹ sư Việt Nam mới ra trường có nền tảng kiến thức kỹ thuật cơ bản tốt, đào tạo thêm khoảng 6 - 9 tháng là có thể làm việc. Nhược điểm lớn nhất của các kỹ sư mới ra trường là tiếng Anh giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, trình bày và quản lý dự án đều kém.

Kỹ sư có kinh nghiệm đảm nhiệm khâu kiến trúc trong ngành vi mạch bán dẫn rất khan hiếm. Để giải quyết vấn đề này ông Đạm cho rằng, cần thời gian hợp tác với các trường để xây dựng nguồn cung cấp nhân lực.

Theo ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch bộ phận kết nối dữ liệu Marvell Việt Nam, đội ngũ Việt Nam hiện đóng góp trực tiếp vào nhiều sản phẩm tiên tiến nhất của tập đoàn.

Ngoại trừ công đoạn đầu tiên là kiến trúc hệ thống, kỹ sư Marvell Việt Nam tham gia vào hầu hết công đoạn như thiết kế, kiểm tra thiết kế, giai đoạn chuyển đổi từ định dạng thiết kế sang sản xuất.

Được thành lập năm 1995, Marvell là một trong số các nhà thiết kế chip của Mỹ nổi lên cùng với Nvidia khi AI lên ngôi. Sản phẩm của Marvell và Nvidia không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ trợ cho nhau.

Nếu như chip của Nvidia thuần túy với kiến trúc xử lý GPU còn chip của Marvell giúp kết nối các GPU với nhau.

Marvell hoạt động dưới mô hình công ty thiết kế, bán chip còn phần sản xuất được công bởi đối tác, tập đoàn này không có ý định mở nhà máy sản xuất. Việc kiểm định cũng do một bên thứ ba phụ trách. Năm 2023, Marvell đạt doanh thu 5,5 tỷ USD.