Hành trình tìm lại vị thế hạt cà phê robusta Việt

Phạm Sơn - 09:51, 18/05/2023

TheLEADERThị trường cà phê thế giới từ lâu đã được “thống trị” bởi hạt arabica. Tuy nhiên, hạt cà phê robusta, loại cà phê chính của Việt Nam, đang dần được ưa chuộng nhiều hơn trên thế giới.

Arabica từ lâu vẫn thống trị thị trường cà phê thế giới, đem lại giá trị xuất khẩu cao hơn hẳn so với robusta. Nhiều hãng cà phê toàn cầu, điển hình như Starbucks, từ chối sử dụng hạt cà phê khác ngoài arabica.

Một phần nguyên nhân đến từ hương vị. Robusta sở hữu lượng cafein cao gấp đôi arabica, do đó sở hữu vị đắng đậm đặc trưng, còn arabica có vị chua dịu, phảng phất hương hoa quả nhàn nhạt, dễ uống hơn đối với nhiều người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn là do cây cà phê arabica, vốn cần những điều kiện tương đối khắt khe để sinh trưởng và cho năng suất tốt, do đó thường được trồng, chăm bẵm một cách tỉ mỉ và phức tạp. Từ đó, hạt arabica nhìn chung về chất lượng lẫn giá bán đều cao hơn so với robusta.

Trái ngược với arabica, robusta luôn được định giá kém dù sở hữu hương vị riêng đặc biệt. Không ai muốn trả giá cao cho hạt cà phê dễ trồng, không phải tốn công chăm sóc, do đó người trồng và sản xuất cà phê robusta cũng có rất ít động lực nâng tầm chất lượng. Tại nhiều nơi trên thế giới, robusta được coi là cà phê “độn”, sinh ra chỉ với mục đích cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng cà phê thế giới.

Tuy nhiên, “ngôi vương” của hạt arabica đang phần nào có những dấu hiệu lung lay với những biến chuyển trên thị trường cà phê thời gian gần đây. Suốt từ cuối tháng 3/2023 đến nay, tại 2 sàn giao dịch cà phê phái sinh là sàn London và Newyork đều nhiều lần chứng kiến giá cà phê robusta tăng mạnh, thậm chí có thời điểm lập đỉnh cao nhất trong 12 năm trở lại đây. Trong khi đó, nhiều phiên giao dịch kết thúc với giá arabica tương đối gây thất vọng.

Theo Bloomberg, một phần nguyên nhân cho sự tăng giá cả robusta là do bối cảnh kinh tế khó khăn, đứng trước nguy cơ suy thoái, người tiêu dùng phần nào phải thắt chặt chi tiêu. Thay vì lựa chọn những dòng cà phê cao cấp, ngày càng nhiều người tìm đến cà phê bột hòa tan, cà phê uống liền, chủ yếu được sản xuất từ hạt robusta. Trong khi đó, sản lượng cà phê robusta toàn cầu lại đang trên đà giảm, tạo ra lực ép khiến giá robusta ngày càng tăng mạnh.

Hành trình tìm lại vị thế của cà phê robusta Việt
Ngành cà phê dự báo sẽ chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu

Câu chuyện mang tính thị trường như vậy có lẽ sẽ chỉ tạo ra tác động trong ngắn hạn, hoặc cùng lắm là trung hạn. Tuy nhiên, xét đến dài hạn, một yếu tố khác cũng đang đe dọa vị thế dẫn đầu của hạt arabica, chính là biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt, từ những đợt nắng nóng thất thường, khốc liệt cho tới những cơn mưa lớn kéo dài, những trận bão lớn hoặc hạn hán diện rộng diễn ra thường xuyên và khó dự đoán. Ngành cà phê, cũng như nhiều loài cây trồng khác, đang coi biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất.

Arabica, với điều kiện trồng yêu cầu nghiêm ngặt, sẽ bị sụt giảm đáng kể về sản lượng do biến đổi khí hậu. Theo Nikkei Asia Review, khoảng 50% diện tích cà phê arabica sẽ bị biến mất do biến đổi khí hậu vào năm 2050. Cây cà phê robusta có sức chống chịu tốt hơn nhiều so với arabica, dễ dàng thích ứng hơn trước biến động thời tiết và khí hậu, được kỳ vọng sẽ là nguồn bổ sung cho sản lượng arabica bị giảm sút.

Cơ hội cho hạt robusta Việt

Sở hữu và quản lý hơn 10 quán cà phê tại Hà Nội, dù không sở hữu thương hiệu nổi bật so với những chuỗi cà phê triệu đô như The Coffeehouse hay Highland nhưng ông Dũng vẫn tự tin vào năng lực cạnh tranh của mình, với nền tảng là chất lượng sản phẩm.

Các loại cà phê, chủ yếu được pha bằng hạt robusta hoặc hạt trộn với tỷ lệ robusta cao của ông Dũng sở hữu hương và hậu vị mật ong thơm dịu, dù không tẩm ướp hương liệu. Hương thơm ấy đến từ cách chế biến “bán ướt”, tức là chọn những quả cà phê chín, ủ để quả lên men ngấm vào hạt, rồi mới tách hạt đem đi chế biến. Cà phê nhân xanh sau đó được rang chín trong những lồng kim loại đã qua nhiều lần thử nghiệm để tìm ra kích thước và nhiệt độ tối ưu.

Thực tế, đối với “dân sành” cà phê Việt, đặc biệt tại những thành phố lớn, không quá khó để tìm thấy những cửa hàng bán robusta đặc sản, với quy trình từ gieo trồng, thu hoạch cho đến chế biến và pha chế được thực hiện một cách nghiêm ngặt và độc đáo, đem đến hương vị không thua kém gì so với những dòng arabica. Gần đây, loại cà phê robusta của một cửa hàng ở TP.HCM đã được Hiệp hội Cà phê đặc sản (SCA) xếp loại xuất sắc với 85 điểm, mức điểm hầu như chỉ thấy ở các dòng arabica đẳng cấp cao trên thế giới.

“Làn sóng cà phê thứ ba” của những người làm cà phê Việt đã đưa việc chế biến cà phê lên một tầm cao mới, không chỉ là một thức uống, một mặt hàng thương mại, mà đã trở thành bộ môn nghệ thuật tinh vi và phức tạp.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để đưa hương vị hảo hạng ấy, bộ môn nghệ thuật đầy tinh tế ấy ra thế giới?

Cơ hội đang đến với hạt robusta Việt, với những biến chuyển về cả ngắn và dài hạn của thị trường cà phê thế giới, như đã nói ở trên. Trong bối cảnh hội tụ cả “thiên thời”, “địa lợi”, những nhà sản xuất cà phê, những người yêu và tự hào về cà phê Việt, cũng đang nỗ lực góp “nhân hòa” để thúc đẩy sự hiện diện của hạt robusta Việt trên trường quốc tế.

Tập đoàn Trung Nguyên Legend của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là ngọn cờ tiên phong “đem chuông đi đánh xứ người” của ngành cà phê Việt, hiện đã hiện diện trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từng đề xuất trước Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) “7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu” hơn 1 thập kỷ trước, ông Vũ đặt kỳ vọng, ngành cà phê thế giới cần phải thay đổi tư duy, cà phê không chỉ là arabica mà còn có cả robusta, không chỉ phong cách thưởng thức cà phê Ý kiểu Mỹ mà còn có phong cách Việt Nam, Ethiopia, Thổ Nhĩ Kỳ…

Với tốc độ sáng tạo ra khoảng 10 dòng sản phẩm mỗi năm, kết hợp những triết lý, tư tưởng, văn hóa được gửi gắm vào từng sản phẩm, ông Vũ đặt niềm tin xây dựng lại vị thế của Việt Nam là cường quốc xuất khẩu hạt robusta hàng đầu về sản lượng và chất lượng.

Đại diện Tập đoàn Minh Tiến, doanh nghiệp từng gây tiếng vang toàn cầu nhờ mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến cà phê tại triển lãm World Expo, cũng từng tiết lộ với TheLEADER kế hoạch tiếp theo cho khát vọng “nâng tầm hạt cà phê Việt”, tập trung vào hạt robusta.

Hành trình nâng tầm hạt robusta Việt của Minh Tiến sẽ tập trung vào giá trị nguyên bản, áp dụng quy trình hướng dẫn, giám sát tỉ mỉ từng khâu đối với vùng nguyên, ứng dụng công nghệ hiện đại để giữ vị nguyên bản, giống như những gì doanh nghiệp này đã thực hiện để thành công đưa hạt arabica ở vùng trồng Sơn La chinh phục những thị trường khó tính nhất.

Hành trình tìm lại vị thế của cà phê robusta Việt 2
Tập đoàn Minh Tiến dự định áp dụng "công thức thành công" trên thị trường quốc tế đã từng làm với hạt arabica cho hạt robusta.

Không chỉ các doanh nghiệp đương đầu sóng gió trên trường quốc tế mà ngay cả những người nông dân trồng cà phê cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng, góp phần nâng tầm hạt robusta Việt.

Mới đây, lô 1 tấn hạt cà phê robusta nhân xanh của hợp tác xã Hoa Linh đến từ huyện Di Linh, Lâm Đồng, đã được mua với giá 420 nghìn đồng/kg tại phiên đấu giá do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. Trước đó, hạt robusta của hợp tác xã này lọt top 10 cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam, với số điểm 83,38 điểm.

Ông Trần Mai Bình, Giám đốc hợp tác xã Hoa Linh, xuất thân cũng từ người nông dân gắn bó với cây cà phê, phát hiện ra rằng canh tác, thu hoạch, chế biến theo kiểu cũ sẽ làm mất đi hương vị nguyên bản vốn có. Ông Bình quyết tâm theo đuổi con đường sản xuất hạt robusta hữu cơ, dù vất vả, tốn nhiều công sức nhưng bán được với giá cao hơn cũng như được đánh giá cao hơn về chất lượng.

Tại huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng, sản phẩm robusta của nông dân Nguyễn Tới đã tạo tiếng vang trên trường quốc tế khi được đánh giá cao bởi Hiệp hội Cà phê đặc sản Hoa Kỳ. Trang trại của ông Tới được đặt trên là Future Coffee Farm (Trang trại Cà phê tương lai), thể hiện đúng tầm nhìn được người nông dân này tuyên bố: “tương lai của cà phê nằm ở nơi này"!

Khẩu vị của mỗi cá nhân là điều rất khó bị thay đổi. Điều đó có nghĩa là vẫn sẽ luôn tồn tại những người yêu thích hương vị chua dịu tinh tế của arabica, cũng như những người lựa chọn khởi đầu ngày mới với cà phê pha từ robusta có vị đắng đậm đặc trưng. Tuy nhiên, khi chất lượng robusta ngày càng được nâng cao, định kiến "cà phê hạng 2" được xóa bỏ, người thưởng thức cà phê trên toàn thế giới có lẽ sẽ sẵn sàng hơn để thưởng thức một ly robusta chuẩn vị.