Hateco đổ tiền vào cảng biển

Nguyễn Cảnh - 09:24, 29/09/2021

TheLEADERDự án xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ được Công ty CP Tập đoàn Hateco khởi công vào tháng 12/2021.

Hateco đổ tiền vào cảng biển
Dự án cảng biển tại Lạch Huyện - Hải Phòng chính thức được bổ sung vào danh mục các siêu dự án do Hateco Group đầu tư.

Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng của Công ty CP Tập đoàn Hateco.

Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 3/2021. Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 24/9/2021.

Dự án có tổng vốn đầu tư 6.425 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 2 bến container với tổng chiều dài 750m, (mỗi bến dài 375m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus); 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chở 48 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 47ha.

Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đáp ứng cho nhu cầu tiếp nhận tàu container tải trọng tới 100.000DWT/8.000 TEU với lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng 25 triệu tấn/năm; sử dụng khoảng 600 lao động.

Với vai trò là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, việc đầu tư xây dựng các bến số 5, 6 cùng với các bến số 1, số 2 đã đưa vào khai thác từ năm 2018 và bến số 3, số 4 đã khởi động từ tháng 5/2021 sẽ nối dài khu bến cảng Lạch Huyện, phục vụ trực tiếp cho khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu (đã được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định 535/QĐ-TTg ngày 1/4/2021).

Đồng thời, việc đầu tư bến số 5, số 6 cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Khu bến cảng Lạch Huyện (thuộc khu vực đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng) trở thành cảng cửa ngõ quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần đưa hàng xuất khẩu của miền Bắc có thể đến thẳng các thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, vốn đầu tư thực hiện dự án (do nhà đầu tư đăng ký) là khoảng 6.425 tỷ đồng; giai đoạn 1 (từ năm 2020-2025) là khoảng 6.073 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030 đến sau 2030) là khoảng 352,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, 85% còn lại là vốn vay và vốn huy động khác. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.

Hateco Group tiền thân là Công ty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội (thành lập năm 2004), tới đầu quý IV/2020, Hateco Group có vốn điều lệ 6.900 tỷ đồng, với hệ sinh thái gồm 7 thành viên, hoạt động chính trong 3 lĩnh vực là bất động sản, logistics và đầu tư phát triển cảng biển.

Được biết, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Hateco với hàng loạt dự án lớn như: Khu đô thị Trần Lãm tại TP. Thái Bình (quy mô 12ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); Hateco La Roma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (quy mô 3.500m2, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng); Hateco Apollo trên trục đường 70, cách sân vận động Mỹ Đình 2,5km (quy mô 4,5ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); Hateco Green Park, Hateco Green City, …

Ở mảng hậu cần logistics, đáng chú ý là kế hoạch đầu tư Trung tâm logistics thông minh tại Cá Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu) được Hateco Group (thông qua pháp nhân Hateco logistics – đơn vị thành viên) chuẩn bị từ vài năm nay. 

Dấu ấn rõ nhất là vào tháng 4/2019, Hateco và tập đoàn Besix (Bỉ), Boskalis (Hà Lan) chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác dự án nêu trên. Dự án được đánh giá sẽ hiện thực hóa dịch vụ logistics hiện đại, thông minh theo tiêu chuẩn mới nhất tại Châu Âu, cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics tại chỗ (on-site), sản xuất và kho ngại quan, bãi container và khu văn phòng và nhà ở. 

Xuất phát nhu cầu hợp tác, phù hợp với chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển cảng biển Việt Nam, Hateco Group cam kết hỗ trợ về quy trình cấp phép đầu tư, lập quy hoạch tổng thể và vận hành phát triển cảng biển trong tương lai. Phía Besix và Boskalis cam kết sẽ cung cấp, hỗ trợ công nghệ tối ưu, thân thiện môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Besix và Boskalis được biết đến là hai tập đoàn lâu đời hàng đầu thế giới về đầu tư các công trình cảng biển, vận tải biển. Besix đang hoạt động trên 23 quốc gia trên 4 lục địa.

Tập đoàn Boskalis vận hành trên 900 tàu và thiết bị nổi, hoạt động trên 90 quốc gia trên toàn thế giới. 

Cuối tháng 8 vừa qua, theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ (diện tích khoảng 1.763ha, với tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỷ đồng) đang được 5 nhà đầu tư cùng quan tâm.

Các nhà đầu tư gồm: Liên doanh Tập đoàn Geleximco - ITC; Liên doanh Việt Nam - EU (Besix - Boskalis - Hateco); Công ty CP IMG Innovations; Công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương và Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời.

Về việc lựa chọn các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Thủ tướng Bỉ, Hà Lan và đại sứ hai nước đã có nhiều công hàm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị giao cho liên danh các nhà đầu tư Việt Nam - EU thực hiện dự án.

Với liên danh Việt Nam - EU giữa Besix – Boskalis – Hateco, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Từ đây, UBND tỉnh đề nghị Đại sứ Hà Lan và Bỉ hỗ trợ các nhà đầu tư cập nhật các thông tin về dự án để tham gia vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư.