Hòa Phát dồn lực làm thép công nghệ cao

Trần Anh - 14:36, 11/04/2024

TheLEADERDù dẫn đầu ngành về sản phẩm thép ống, song Hòa Phát cho biết sẽ chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường chứ không có kế hoạch mở rộng. Thay vào đó Hòa Phát dồn toàn lực phát triển thép công nghệ cao dùng trong sản xuất ô tô điện, đóng tàu, đường ray cao tốc, phục vụ quân sự.

Hòa Phát dồn lực làm thép công nghệ cao
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: HPG

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Hòa Phát, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long chia sẻ: dòng sản phẩm ống thép, tôn mạ hiện những dòng sản phẩm chính, đã đưa doanh nghiệp đến vị thế ngày hôm nay. 

Trong giai đoạn khó khăn của thị trường vật liệu vừa qua, ống thép vẫn tiêu thụ tốt và Hòa Phát vẫn là doanh nghiệp số một dòng sản phẩm này với 35% thị phần.

Mặc dù vậy, ống thép, tôn mạ không còn là trọng tâm phát triển của Hòa Phát trong tương lai.

“Dù dẫn đầu ngành về sản phẩm ống thép, song chúng tôi sẽ chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường chứ không có kế hoạch mở rộng nữa”, ông Long chia sẻ.

Theo người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát, ống thép và tôn mạ là hai sản phẩm tương đối dễ làm của ngành thép, công nghệ cũ và đầu tư nhỏ. Trong chiến lược phát triển 5 – 10 năm tới, Hòa Phát sẽ dồn toàn lực phát triển thép công nghệ cao, ít doanh nghiệp làm được. Đó là các loại thép dùng trong sản xuất ô tô điện, đóng tàu, đường ray cao tốc, phục vụ quân sự.

Hiện tại, Hòa Phát đang nghiên cứu sản xuất tôn silic, loại thép dùng trong sản xuất mô tơ điện. Ở Việt Nam mới chỉ có một công ty làm, nhưng chỉ ở mức nhập khẩu nguyên liệu về gia công, chưa có doanh nghiệp nào làm từ gốc như Hoà Phát.

Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đang nghiên cứu làm thép ray, loại có thể sử dụng cho các đường sắt cao tốc với vận tốc từ 800 km/h. Cả hai sản phẩm này, theo ông Long, đều đòi hỏi công nghệ cao và cực kỳ khó làm.

Những sản phẩm mới được nghiên cứu sản xuất để đón đầu các xu hướng mới trong ngành công nghiệp. Với thép ray, nếu Chính phủ đẩy mạnh làm tuyến đường sắt Bắc – Nam, Hòa Phát sẽ có cơ hội tiêu thụ được sản phẩm này.

Dự án thép Dung Quất 2 sẽ đóng vai trò sản xuất các dòng sản phẩm mới này, bên cạnh sản phẩm quan trọng khác là thép cuộn cán nóng (HRC). Dự kiến, Dung Quất 2 có thể hoàn thành hạng mục đầu tiên và bắt đầu chạy thử từ cuối năm 2024.

Giai đoạn một của dự án sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2025 và giai đoạn 2 có thể hoàn thiện vào cuối năm 2025. Khi chạy đủ công suất, dự án có thể sản xuất 2,7 triệu tấn HRC. Năm 2025 Hòa Phát có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC tại Dung Quất 2, và tổng sản lượng có thể đạt 5 triệu tấn.

Hiện tại, Hòa Phát đang dồn lực triển khai đồng bộ cùng hàng trăm nhà thầu, đối tác trong và ngoài nước, vừa thi công xây dựng, vừa lắp đặt thiết bị tại dự án Dung Quất 2.

Về hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, ông Trần Đình Long cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang trì trệ nên năm 2024 ngành thép sẽ khó có sự tăng trưởng đột biến.

Tuy nhiên, Hòa Phát vẫn duy trì được việc bán hàng tốt và trong giai đoạn vừa qua đã đẩy được tồn kho nguyên liệu giá cao, đây là điểm một thuận lợi về kết quả kinh doanh cho giai đoạn tới.

“Năm 2025 có thể là một năm tốt với Hòa Phát. Điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp có thể vào giai đoạn 2026 – 2027, khi các dự án đi vào hoạt động hết công suất”, ông Long chia sẻ.

Trong quý gần nhất, Hòa Phát ghi nhận 31.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 7 lần cùng kỳ. Công ty phải trích lập dự phòng 200 tỷ đồng do tỷ giá trong quý vừa qua.

Năm 2024, "vua" thép đặt mục tiêu năm tới mang về doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.