Hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC ngưng trệ vì Covid-19

Trần Anh - 14:52, 09/11/2021

TheLEADERVAMC cho biết giai đoạn từ tháng 6 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc mua bán, xử lý nợ của VAMC không đạt được kết quả cụ thể trong thời gian này.

Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, đến 31/10, đã mua nợ theo giá thị trường với tổng giá mua đạt 1.922 tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch mua nợ theo giá thị trường năm 2021. 

Các đợt mua nợ chủ yếu được thực hiện trong 5 tháng đầu năm 2021, từ tháng 6 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc mua bán, xử lý nợ của VAMC không đạt được kết quả cụ thể trong thời gian này. 

Các hoạt động như khảo sát khoản nợ, tài sản bảo đảm (TSBĐ), làm việc với khách hàng/TCTD, niêm yết thông báo thu giữ/thông báo đấu giá tài sản, thực hiện thu giữ TSBĐ, định giá, đấu giá tài sản; khởi kiện, thi hành án;… nhất là tại địa bàn trọng tâm xử lý nợ của VAMC là TP.HCM và các tỉnh thành phía nam gần như bị đình trệ hoàn toàn.

Về phía các ngân hàng có nhu cầu bán nợ xấu cho VAMC, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện phương án bán nợ xấu. Thông thường, ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện bán nợ theo phương thức đấu giá, nếu không đấu giá thành mới xem xét bán nợ cho VAMC theo phương thức thỏa thuận. 

Tuy nhiên, do phải thực hiện giãn cách xã hội, quá trình triển khai các bước trong quy trình đấu giá trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn, cá biệt có một số tổ chức đấu giá thực hiện niêm yết, thông báo đấu giá, tổ chức trả giá, tổ chức công bố giá…chưa đúng quy định của Luật Đấu giá (Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp đã phải có văn bản chấn chỉnh hoạt động này) dẫn đến các ngân hàng không thực hiện được việc bán đấu giá khoản nợ, qua đó không triển khai bán nợ xấu theo phương thức thỏa thuận cho VAMC.

Việc triển khai tìm kiếm, phối hợp giữa VAMC với ngân hàng trong hoạt động mua bán, xử lý nợ hiện cũng chỉ dừng lại ở hoạt động tiếp cận thông tin, chuẩn bị các bước tiếp theo sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế xã hội được diễn ra trong trạng thái bình thường mới. 

Thực tế, có những khoản nợ VAMC đã tiếp xúc, đàm phán với ngân hàng từ trước tháng 6/2021 và dự kiến sẽ mua nợ theo giá thị trường trong Quý III, IV năm 2021, nhưng đến nay VAMC vẫn chưa thể mua nợ thành công do các ngân hàng chưa thực hiện được các thủ tục đấu giá khoản nợ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến doanh số mua nợ theo giá thị trường của VAMC đến thời điểm hiện tại chưa đạt kế hoạch đề ra.

VAMC cũng đề cập do đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng nên hoạt động của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị thu hẹp dẫn đến suy giảm doanh thu, lợi nhuận. Dưới góc độ vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang lâm vào tình trạng suy thoái, rõ nét nhất là GDP quý III năm 2021 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. 

Bối cảnh kinh tế vĩ mô và thực trạng “sức khỏe” của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến việc tìm kiếm khách hàng mua nợ xấu - đây là yếu tố đầu ra trong hoạt động mua bán nợ nhưng có tác động trực tiếp đến việc xem xét, quyết định phương án mua nợ (đầu vào) của VAMC.

Ngoài ra, việc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, sụt giảm nguồn thu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng mà trong thời gian trước đây VAMC áp dụng phương án xử lý nợ bằng hình thức cơ cấu nợ, đôn đốc thu hồi nợ. 

Việc thu hồi tiền từ việc đấu giá tài sản, bán khoản nợ cũng bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, thậm chí có một số đối tác đã đặt vấn đề, tìm hiểu mua khoản nợ, tài sản của VAMC cũng đã tạm dừng triển khai kế hoạch mua khoản nợ, tài sản. Hiện nay, VAMC phải thực hiện rà soát, đánh giá lại phương án kinh doanh, dự án đầu tư của khách hàng, phương án xử lý các khoản nợ đã mua cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Tính đến 30/9, VAMC xử lý được 18.358 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch thu hồi nợ năm 2021. Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 các khách hàng vay nợ đã không đảm bảo nguồn thu trả nợ theo dự kiến.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ các TCTD tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh xử lý nợ xấu của VAMC, việc TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ sẽ làm giảm nhu cầu xử lý nợ xấu thông qua việc mua bán nợ với VAMC.