HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm trong 10 năm tới

Quỳnh Chi - 09:35, 07/04/2018

TheLEADERNhân công chi phí thấp, số lượng ngày càng nhiều các hiệp định thương mại và môi trường kinh doanh cải thiện tiếp tục là những yếu tố tạo thêm lực đẩy cho xuất khẩu của Việt Nam cũng như hỗ trợ sự thâm nhập vào các thị trường mới.

HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm trong 10 năm tới
HSBC dự báo tổng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ở mức 750 tỷ USD năm 2030.

Báo cáo “Navigator: hiện tại, tương lai và ý nghĩa đối với doanh nghiệp” mới đây của ngân hàng HSBC nhìn nhận, nếu không có những thay đổi đối với các chính sách về thương mại, tối thiểu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030, trong khi xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng ở mức 7% mỗi năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức 750 tỷ USD vào năm 2030, cao hơn bốn lần so với năm 2016. 

Về ngành, HSBC cho rằng, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin từ các công ty FDI tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số các loại hàng hóa và dịch vụ du lịch tiếp tục lấn át các hoạt động xuất khẩu dịch vụ khác.

Những yếu tố như môi trường kinh tế thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tăng được xem là những yếu tố chính tác động lên tăng trưởng thương mại xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Các doanh nghiệp khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại tại các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, hiện đang chiếm gần 30% lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

“Các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng môi trường kinh tế thuận lợi và nhu cầu về sản phẩm tăng là những yếu tố chính giúp tăng trưởng giao thương với các thị trường. Nhân công chi phí thấp, môi trường kinh doanh cải thiện và việc áp dụng các thỏa thuận thương mại như EVFTA và CPTPP được xem là những điểm mạnh tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết.

Báo cáo của HSBC chỉ ra rằng làn sóng đầu tư nước ngoài trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất đã dần chuyển Việt Nam thành trung tâm sản xuất cho các nhà sản xuất ở Đông Á. 

Theo đó, các doanh nghiệp cần nhìn nhận triển vọng về nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường châu Á như một cơ hội để mở rộng kết nối thương mại trong khu vực cũng như đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của mình.

Bên cạnh đó, chiến lược chính nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các công ty khác trong khu vực sẽ tiếp tục là thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Nhu cầu dồi dào từ các nền kinh tế có quy mô lớn như Trung Quốc, Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu là những yếu tố góp phần vào triển vọng tích cực của thương mại toàn cầu trong 3 - 5 năm tới. 

Nhờ vào sự cởi mở đối với thương mại và các yếu tố thu hút các nhà sản xuất nước ngoài, HSBC đánh giá Việt Nam hoàn toàn nằm ở vị thế tốt để có thể nhận được các lợi ích to lớn từ xu hướng này.

Cùng với triển vọng thương mại lạc quan, nhiều doanh nghiệp cho rằng nhu cầu về tài trợ thương mại sẽ tăng để có thể đáp ứng được nhu cầu giao thương. Trong khi một số doanh nghiệp cho rằng chi phí giao dịch cao và bất ổn định về tỉ giá có thể là những rào cản chính, 86% doanh nghiệp vẫn tin rằng nhu cầu của họ sẽ được đáp ứng và khả năng tiếp cận nguồn vốn được cải thiện.

Bên cạnh đó, báo cáo của HSBC đánh giá thương mại dịch vụ giữ vai trò khá khiêm tốn so với thương mại hàng hóa, năm 2016, dịch vụ chỉ đóng góp 4% vào tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu nói chung. 

Trong khi các nhà xuất khẩu nhìn chung khá lạc quan về triển vọng của thương mại dịch vụ trong tương lai gần, chỉ khoảng một nửa các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng dịch vụ đem lại nguồn lợi nhuận xuất khẩu quan trọng.

Du lịch được dự đoán tiếp tục đóng vai trò chính trong lĩnh vực dịch vụ nhờ vào thu nhập và mức sống tăng tại các nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, HSBC nhận định tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế ASEAN được xem là bước đi phù hợp nhất đối với Việt Nam. 

Hiện nay, các doanh nghiệp tin rằng các hiệp định thương mại mới sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng với khoảng 74% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu của họ, trong khi 63% tin rằng Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có tác dụng tích cực đối với hoạt động thương mại của họ trong tương lai.

Do đó, HSBC cho rằng các doanh nghiệp nên ủng hộ các sáng kiến hỗ trợ thương mại của Chính phủ như RCEP và tầm nhìn ASEAN 2025, nhằm đảm bảo Việt Nam duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tìm kiếm sự tăng trưởng trong khu vực.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu đầy đủ về các sáng kiến thương mại CPTPP để có thể đạt được vị thế thuận lợi trong việc nắm bắt các lợi ích đến từ các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng hay từ sự kết nối trong khu vực.

Theo HSBC, các doanh nghiệp nên tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất có giá trị cao hơn tại các thị trường khác. Hoạt động này có thể bao gồm từ cung ứng đầu vào cho đến cung cấp dịch vụ IT và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác, là thị trường tăng trưởng nhanh và có tiềm năng tăng trưởng đáng kể tại Việt Nam.

Doanh nghiệp cũng nên hỗ trợ việc vận hành các chính sách thương mại cũng như các đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động thương mại nhằm phục vụ nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng.