Kẻ thù lớn nhất của thương hiệu hậu Covid-19

Minh Nhật - 09:25, 19/05/2020

TheLEADERHậu Covid-19, các thương hiệu cần có sự điều chỉnh về giá cả, kích cỡ sản phẩm và đặc biệt cần chú tâm vào yếu tố sức khỏe trong các chiến dịch truyền thông.

Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam Louise Hawley lưu ý rằng, điều quan trọng nhất đối với thương hiệu, doanh nghiệp thời hậu đại dịch Covid-19 là không để cơ hội vụt mất trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều thay đổi trong hành vi mua sắm đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

“Kẻ thù lớn nhất đối với một thương hiệu ở thời điểm này không phải là đối thủ cạnh tranh số một mà là tình trạng hết hàng”, bà nhấn mạnh.

Nếu sản phẩm của một thương hiệu, doanh nghiệp không sẵn có khi khách hàng đến cửa hàng, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ lựa chọn một sản phẩm thay thế khác. Điều này không chỉ giảm cơ hội bán hàng mà còn làm giảm lượng khách hàng trung thành nếu thương hiệu mới làm hài lòng người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu “Covid-19 – Đâu là nơi người tiêu dùng hướng tới?” của công ty nghiên cứu và đo lường thị trường toàn cầu Nielsen, đa số người tiêu dùng đều sẽ tái ưu tiên việc ăn tại nhà hậu Covid-19. Việt Nam nằm trong tốp 3 thị trường dẫn đầu xu hướng này với 62% người tiêu dùng nói rằng họ cũng sẽ chọn ăn tại nhà.

Bà Louise Hawley cũng từng lưu ý với xu hướng gia tăng tiêu dùng trong các nhóm thực phẩm thiết yếu, chăm sóc và vệ sinh cá nhân, điều quan trọng là các sản phẩm này phải luôn trong tình trạng sẵn có đối với người tiêu dùng khi mua sắm.

Những thách thức về việc đưa sản phẩm ra thị trường như hết hàng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ chọn một sản phẩm thay thế hoặc đơn giản là không mua gì. “Đây sẽ là tổn thất đối với cả nhà bán lẻ và nhà sản xuất, đồng thời gây nên sự thất vọng đối với người mua hàng”, bà Louise nhấn mạnh.

Nhấn mạnh yếu tố sức khỏe

Vị Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho rằng với những người tiêu dùng có xu hướng dành thời gian ở nhà nhiều hơn, sản phẩm, truyền thông, giá cả, kích cỡ cũng phải có sự thay đổi.

Người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn và ra ngoài ít hơn đồng nghĩa với kích cỡ giỏ hàng có xu hướng lớn hơn, từ đó các nhà sản xuất có thể tận dụng cơ hội tạo ra các sản phẩm có kích cỡ lớn hơn. Điều này có thể áp dụng không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn có thể dành cho ngành đồ uống.

Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm chất lượng cao, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe cũng như tìm kiếm nhiều hơn sản phẩm nội địa. Do đó, thương hiệu, doanh nghiệp nên truyền thông các yếu tố này trong các video quảng cáo, các chiến dịch truyền thông tại cửa hàng cũng như thể hiện trên bao bì sản phẩm.

Cập nhật mới nhất của khảo sát chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu công bố bởi Nielsen mới đây cũng chỉ ra rằng sức khỏe đã thay thế kinh tế trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng xác định sức khỏe là mối quan tâm lớn nhất của họ trong vòng sáu tháng tới, bao gồm cả Việt Nam.

Trong quý đầu năm nay, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục xếp hạng sức khỏe (49%, tăng 4% so với quý IV/2019) là mối quan tâm số 1 với mức cao nhất trên toàn cầu.

Những nghiên cứu từ Worldpanel cũng khẳng định rằng giỏ hàng hiện nay của người tiêu dùng phản ánh bốn nhu cầu chính, bao gồm nhu yếu phẩm, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm tăng cường sức khỏe và sản phẩm vệ sinh. Điều này cho thấy mức độ ưu tiên của người tiêu dùng hiện đang nghiêng về các ngành hàng thiết yếu cho việc chống dịch.

Do vậy, đề cao sức khỏe là yếu tố được đẩy mạnh khi đại dịch bùng phát và tiếp tục được người tiêu dùng quan tâm khi dịch bệnh đã được kiểm soát và kiềm chế. Yếu tố này cần tiếp tục được thể hiện rõ ràng trong các sản phẩm cũng như các chiến dịch truyền thông hậu Covid-19.