Trước thềm đàm phán hiệp ước về ô nhiễm nhựa của Liên hợp quốc, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) kêu gọi thiết lập một lệnh cấm mang tính toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần “có hại và không cần thiết”.
Các sản phẩm chứa nhựa dùng một lần “có hại và không cần thiết” có thể kể đến như dao kéo nhựa, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa…, được xác định bởi một số báo cáo do WWF ủy quyền Viện Eunomia thực hiện. WWF đang vận động đưa giải pháp thiết lập lệnh cấm toàn cầu đối với những sản phẩm này vào nội dung hiệp ước về ô nhiễm nhựa của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ được công bố trước tháng 12/2023.
Theo đó, WWF chia các sản phẩm chưa nhựa thành 2 loại. Trong đó, loại I là sản phẩm có thể giảm hoặc loại bỏ trong thời gian ngắn, còn loại II là nhóm hiện chưa khả thi để loại bỏ hoặc giảm thiểu đáng kể nhưng cần có biện pháp kiểm soát toàn cầu nhằm thúc đẩy tái chế, quản lý và thải bỏ có trách nhiệm.
Việc phân loại này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho thiết lập các quy định ở cấp độ toàn cầu, thay vì tạo ra những quy định pháp lý cho từng mặt hàng nhựa riêng lẻ, vừa phức tạp vừa tạo ra những kẻ hở có thể “lách”.
“Chúng ta đang “mắc kẹt” trong hệ thống mà lượng nhựa sản xuất vượt quá khả năng xử lý của bất kỳ quốc gia nào, dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến cả môi trường và xã hội”, ông Marco Lambertini, chuyên gia của WWF, cho biết.
Cũng theo ông Lambertini, nếu không sớm có hành động, đến năm 2040, lượng nhựa sản xuất ra sẽ tăng gấp đôi, lượng nhựa thải vào đại dương sẽ tăng gấp 3 lần. Ô nhiễm nhựa là một vấn đề toàn cầu, do đó cần thiết phải có những giải pháp ở cấp độ toàn cầu.
Thực tế, chuyên gia của WWF cho biết, nhiều quốc gia đã và đang thiết lập những biện pháp hạn chế hoặc cấm đồ nhựa dùng một lần, có thể kể đến như lệnh cấm sử dụng bao bì, đồ nhựa dùng một lần tại các nhà hàng, quán cà phê của Hàn Quốc kể từ năm 2022; lệnh cấm sử dụng hộp đựng thực phẩm và ống hút dùng một lần của Chile… Tại Việt Nam, dự kiến, đến năm 2030 sẽ cấm toàn bộ túi nylon ở tất cả các điểm bán lẻ, bao gồm cả chợ dân sinh.
Tuy nhiên, ông Lambertini nhận định, những lệnh cấm này là chưa đủ, thay vào đó là cách tiếp cận theo những quy tắc thống nhất trên toàn cầu, từ đó tạo ra sự bình đẳng giữa các quốc gia và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.
Bên cạnh đó, quy định mang tính toàn cầu về cấm đồ nhựa dùng một lần không cần thiết và có hại cũng được đánh giá là hoàn toàn khả thi với điều kiện khoa học công nghệ hiện nay. Chính vì vậy, cần có thêm ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh hơn.
Bà Zaynab Sadan, Điều phối viên chính sách về nhựa của WWF tại châu Phi, cũng nhìn nhận, loại bỏ nhựa dùng một lần có hại và không cần thiết là bước đầu tiên để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, bà Sadan nhấn mạnh, chính sách về ngăn chặn ô nhiễm nhựa toàn cầu cần phải cân nhắc tới lợi ích của những nhóm yếu thế có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là lực lượng thu gom, tái chế rác thải phi chính thức.
Bà Sadan nhấn mạnh, cuộc đàm phán về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu của Liên hợp quốc tại Pháp (từ 29/5 – 2/6/2023) là “cơ hội không thể bỏ qua” để đưa ra các biện pháp toàn cầu chống lại tư duy “sử dụng một lần”, hướng tới giải pháp hài hòa hơn về cả kinh tế, xã hội và môi trường.