'Không có mạng xã hội riêng khác gì đặt não người Việt ở nước ngoài'

An Chi - 10:56, 15/08/2019

TheLEADERBộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng, đến năm 2020 - 2021, các mạng xã hội trong nước sẽ có số người dùng tương đương và cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài.

'Không có mạng xã hội riêng khác gì đặt não người Việt ở nước ngoài'
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn Bộ Thông tin và truyền thông về việc nhiều thông tin trên mạng xã hội diễn biến rất phức tạp, có tình trạng dùng ngôn từ chống phá, kích động, thông tin sai sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng. Dù Chính phủ chỉ đạo, bộ, ngành có nhiều biện pháp ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ án, vấn đề trên vẫn còn nóng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện bộ đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng.

“Khả năng xử lý của trung tâm mỗi ngày khoảng 100 triệu tin, phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ tin tiêu cực trên 30% nhưng sau khi điều chỉnh chỉ còn dưới 10%”, ông Hùng cho hay.

Về giải pháp với các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, ông Hùng cho biết, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu.

Bên cạnh đó, để hạn chế các thông tin ảo, sai sự thật trên mạng xã hội, ông Hùng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam, do Việt Nam quản lý. Còn hiện nay, toàn bộ những gì người Việt trao đổi, chia sẻ, mua bán được lưu trữ ở nước ngoài.

Bộ trưởng lý giải, nếu như Việt Nam không có mạng của chính mình thì tất cả những gì người Việt đọc, mua, bán đều được lưu trữ ở nước ngoài, “nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài”.

Do đó, Việt Nam phải đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não” người Việt Nam phân tán đều, không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam.

“Hiện nay, các mạng xã hội của nước ngoài đang dùng thông tin đó để quảng cáo nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể ảnh hưởng vấn đề an ninh quốc gia”, ông Hùng nhận định.

Hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu người dùng, các mạng xã hội nước ngoài là khoảng 90 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội trong nước khoảng 30%, ông Hùng kỳ vọng, trong khoảng năm 2020 - 2021 Việt Nam sẽ có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng tương đương với các mạng xã hội nước ngoài.

Trước đó, Bộ trưởng đã cho biết, trong năm 2019, Việt Nam sẽ ra đời năm mạng xã hội mới. Điều này cho thấy quyết tâm lớn trong việc tạo dựng một mạng xã hội riêng “made in Vietnam”, của người Việt Nam. Thông tin này đã khiến cho cộng đồng mạng trong nước rất quan tâm.

Trong cuộc đua làm mạng xã hội hiện tại, đáng chú ý nhất phải kể đến mạng xã hội Viva VietNam do Vccorp phát triển. Được thành lập từ tháng 1/2019, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập Công ty Mạng xã hội Viva là 69 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Vccorp góp gần như toàn bộ 99,986%.

Đầu tháng 6 vừa qua, mạng xã hội chuyên về du lịch Hahalolo ra mắt với những tuyên bố rất mạnh mẽ là sẽ đạt 2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ), cạnh tranh trực tiếp với Facebook.

Cuối tháng 7, mạng xã hội Gapo cũng đã ra mắt nhắm vào giới trẻ Việt với mục tiêu thu hút 3 triệu người dùng đến năm 2020 và 50 triệu người dùng tính đến 2021. Gapo cho biết nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ quỹ G-Capital cho giai đoạn 2019 - 2021.

Trước đó, đáng chú ý nhất là mạng xã hội trong nước Mocha (Viettel) và ứng dụng tin nhắn Zalo với số người dùng hàng tháng lần lượt 4,8 triệu và 46,7 triệu. Hiện Zalo cũng đã nộp hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội lên Bộ Thông tin và truyền thông.

Như vậy, nếu xét về khía cạnh người dung, Zalo không hề thua kém so với Facebook,Youtube tại Việt Nam. Số lượng người dùng Facebook hàng tháng vào khoảng 50 triệu người, Youtube vào khoảng 30 triệu người.

Tuy nhiên, dù có số người dùng tương đương song phần lớn doanh thu từ quảng cáo trực tuyến lại rơi vào các mạng xã hội của nước ngoài. Theo nhiều chuyên gia, để các mạng xã hội trong nước có thể cạnh tranh được với Facebook, Youtube là điều không dễ dàng.