Khu công nghệ sinh học vốn hơn 1 tỷ USD vẫn nằm trên giấy sau 10 năm cấp phép

Quỳnh Chi - 15:36, 15/05/2018

TheLEADERChủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội tại các phường Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai và Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, tỷ lệ 1/500.

Khu công nghệ sinh học vốn hơn 1 tỷ USD vẫn nằm trên giấy sau 10 năm cấp phép
Phối cảnh Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.

Theo quyết định do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký, đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Inros Lackner Việt Nam và chủ đầu tư là Pacific Land Việt Nam sẽ có 6 tháng để điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 để trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định trước khi trình UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.

Khu công nghệ cao sinh học với tên gọi HaBiotech là dự án được cấp phép vào tháng 3/2008 với quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 203ha; quy mô dân số dự kiến phục vụ tái định cư khoảng 1.000 người và số người làm việc trong dự án khoảng 34 – 36 nghìn người.

Theo điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch, phía Bắc dự án giáp khu công nghiệp Thăng Long; phía Tây giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang 40m; phía Tây Bắc giáp khu đất nông nghiệp, trồng hoa màu; phía Đông giáp tuyến đường quy hoạch mặt cắt ngang 40m và khu dân cư; và phía Nam giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang 60m.

Được đánh giá là “đại dự án của các dự án” với tham vọng lớn thu về hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư thứ phát song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hạng mục nào trong khu công nghệ cao sinh học HaBiotech được triển khai.

Trước đó vào đầu tháng 11/2009, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có kiến nghị chủ trương điều chỉnh một số mục tiêu đầu tư của dự án này, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện triển khai dự án như đã cam kết.

Đồng thời Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý theo đúng quy định hiện hành đối với nhà đầu tư dự án trong trường hợp không đủ khả năng triển khai dự án theo đúng cam kết.

Dự án này do Công ty Pacific Land Limited - Ireland đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến là 250 triệu USD cho hạ tầng kỹ thuật và một số công trình dịch vụ, chung cư cao tầng, ký túc xá (không bố trí đất làm nhà ở gia đình); 800 triệu USD cho các thiết bị đặc chủng như đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học.

Khu công nghệ cao sinh học Habiotech được đầu tư, xây dựng đồng bộ để phát triển thành một khu kinh tế, khoa học kỹ thuật chất lượng cao, hiện đại; nghiên cứu, giáo dục, phát triển, ứng dụng sản xuất thực nghiệm và chuyển giao công nghệ cao.

Khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm trong Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ cung cấp không gian mở, công viên sinh thái kết hợp chức năng nghiên cứu khoa học công nghệ cao và tiện ích thiết yếu phục vụ môi trường nghiên cứu.

Mục tiêu của dự án là xây dựng Habiotech thành công viên công nghệ cao sinh học hàng đầu thế giới phục vụ cho những công ty sinh học tầm cỡ hoạt động và phát triển những kỹ thuật hiện đại nhất, góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học so với các nước láng giềng.

Đặc biệt, khi đi vào hoạt động, dự án đồ sộ này kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội theo hướng gia tăng các ngành có hàm lượng kiến thức cao.

Theo chủ đầu tư, khách hàng tiềm năng của HaBiotech sẽ là công ty và tập đoàn dược hàng đầu thế giới của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển... sẵn sàng đầu tư vào các thị trường mới.