Kiểm toán tài sản trí tuệ: Yếu tố quyết định

17:39, 14/07/2023
Trâm Nguyễn
Luật sư

Tại Việt Nam hiện nay, công việc chính của hầu hết các văn phòng luật sở hữu trí tuệ là hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, sáng chế... Trong khi đó, tại thị trường nước ngoài, tư vấn chiến chiến lược về quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp đã trở thành một cấu phần kinh doanh không thể thiếu của nhiều văn phòng luật.

Kiểm toán tài sản trí tuệ: Yếu tố quyết định
Kiểm toán tài sản trí tuệ là một trong những bước quyết định đối với hoạt động quản trị tài sản trí tuệ

Tài sản trí tuệ là những tài sản vô hình trong doanh nghiệp, chẳng hạn như sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền… Giống như tất cả những loại tài sản khác, tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp cũng cần được quản trị, quản lý và phân bổ phù hợp để có thể phát huy được hiệu quả, tránh lãng phí trong quá trình sử dụng.

Trong đó, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ bao gồm hai cấu phần chính: bảo hộ tài sản trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Số lượng ít và hàm lượng đổi mới sáng tạo thấp

Tại Việt Nam, không có hoặc có rất ít công ty có hoạt động quản trị tài sản trí tuệ. 

Đây là tình trạng đã diễn ra nhiều năm, với ba lí do chính.

Thứ nhất, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mực đến hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo hộ tài sản trí tuệ. Điều này được minh chứng rất rõ thông qua lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ vẫn còn ít.

Trong đó, tài sản trí tuệ được đăng ký chủ yếu là nhãn hiệu – tài sản liên quan chủ yếu đến hoạt động thương mại. Ngược lại, số lượng những tài sản trí tuệ có giá trị lớn, mang tính đổi mới sáng tạo cao như sáng chế, giải pháp hữu ích… vẫn còn rất thấp. 

Theo thống kê của Cục sở hữu trí tuệ, trên quy mô cả nước, số lượng bằng sáng chế của Việt Nam không nhiều. Đến nay, Việt Nam ghi nhận khoảng 2.500 bằng độc quyền sáng chế và khoảng 2.800 giải pháp hữu ích.

Trong khi đó, con số bằng độc quyền sáng chế bên trong một chiếc máy ảnh Canon là khoảng 1.000. Hay một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thông tin ở Mỹ cũng đã sở hữu 1.800 bằng sáng chế. Theo ông Trần Giang Khuê - trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, đây là con số đáng giật mình khi so với số giáo sư, tiến sĩ và số đề tài, nhiệm vụ khoa học cả nước.

Số lượng bằng sáng chế của Việt Nam từ trước đến nay chỉ gấp 2,5 lần so với tổng số bằng sáng chế của hãng máy ảnh Canon.

Thứ hai, doanh nghiệp chưa nhận thức được các loại tài sản trí tuệ của chính mình và cách thức thương mại hóa những tài sản trí tuệ đó.

Có thể thấy, bất kể cung ứng loại sản phẩm hay dịch vụ nào, các doanh nghiệp đã và đang tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ (từ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng; chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế; giống cây trồng mới cho đến phầm mềm máy tính….).

Tuy, nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng nhận diện và đánh giá được đầy đủ tiềm năng của các loại tài sản trí tuệ mà mình đang sở hữu.

Đặc biệt, về hoạt động khai các tài sản trí tuệ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có kiến thức, cách thức và chiến lược thương mại tài sản trí tuệ hiệu quả: chưa biết vòng đời phát triển của các tài sản trí tuệ, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp có thể li-xăng sản phẩm…

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng thương mại hóa, cấp phép sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn rất kém. Có thể thấy, hiện tại, mặc dù chính phủ và nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã xây dựng một số nền tảng kinh doanh tài sản trí tuệ, nhưng vẫn chưa có kênh phân phối tài sản trí tuệ nào thực sự phổ biến và hiệu quả với công chúng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn giữ tâm lý thu tiền nhanh và trực tiếp từ hoạt động kinh doanh, trong khi đó tài sản trí tuệ là những tài sản tạo ra dòng tiền gián tiếp và lâu dài. Đây cũng là một rào cản khiến cho hoạt động quản trị tài sản trí tuệ ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.

Kiểm toán tài sản trí tuệ

Trong hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, điều khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển có thể kể đến nhu cầu của doanh nghiệp khi tìm đến chuyên gia hay luật sư về tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Với tâm lý chủ quan vượt trội, hầu hết các doanh nghiệp thường cho rằng sản phẩm của doanh nghiệp mình là tốt nhất trên thị trường, điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sẽ không nhìn nhận được vị trí của mình trong bối cảnh chung.

Thêm vào đó, chưa có thói quen nhận tư vấn, hướng dẫn từ đơn vị chuyên tư vấn bên ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ tìm đến các văn phòng luật, đại diện sở hữu công nghiệp khi cần xác lập quyền hoặc cần phải giải quyết những tranh chấp về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Thay vì yêu cầu văn phòng luật, đại diện sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ theo ý kiến chủ quan của mình, những doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển trên thế giới thường thuê các chuyên gia, luật sư về sở hữu trí tuệ để kiểm toán tài sản trí tuệ (audit IP), đặt tài sản trí tuệ đó vào bối cảnh chung, từ đó lên chiến lược phát triển, bảo hộ và kinh doanh những tài sản trí tuệ đó.

Thay vì yêu cầu văn phòng luật, đại diện sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ theo ý kiến chủ quan của mình, những doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển trên thế giới thường thuê các chuyên gia, luật sư về sở hữu trí tuệ để kiểm toán tài sản trí tuệ (audit IP), đặt tài sản trí tuệ đó vào bối cảnh chung, từ đó lên chiến lược phát triển, bảo hộ và kinh doanh những tài sản trí tuệ đó.

Có thể nói, kiểm toán là bước rất quan trọng trong quá trình bảo hộ tài sản trí tuệ. Với chuyên môn của mình, các luật sư sở hữu trí tuệ sẽ chỉ ra những loại hình tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp đã và đang có, từ đó xác định được loại hình đăng ký sản phẩm sở hữu trí tuệ phù hợp (nhãn hiệu, sáng chế, bản quyền hay kiểu dáng công nghiệp…).

Đây là một điều rất cần được nhấn mạnh, bởi trong nhiều trường hợp, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, một tài sản trí tuệ cần và nên được đăng ký ở dạng A, nhưng trên thực tế, theo luật pháp sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ đó có thể được đăng ký ở nhiều dạng thức khác nhau. Việc chọn ra loại hình đăng ký tài sản trí tuệ phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng, có ảnh hưởng nhiều đến quá trình doanh nghiệp bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ sau này.

Thêm vào đó, với kinh nghiệm làm việc thực tiễn với nhiều doanh nghiệp trên thị trường, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ có thể cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng thể về bối cảnh xoay quanh những tài sản trí tuệ đó nói chung. Ví dụ, sản phẩm nào của doanh nghiệp là sản phẩm vượt trội so với thị trường, sản phẩm nào là sản phẩm chưa đủ sáng tạo, từ đó doanh nghiệp có chiến lược phát triển và kinh doanh sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ để có thể giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược đăng ký tài sản trí tuệ hiệu quả. Nếu thực hiện đăng ký tài sản trí tuệ cùng lúc tất cả các loại tài sản trí tuệ, doanh nghiệp sẽ cần phải thực hiện những khoản chi lớn (đặc biệt là các doanh nghiệp có hàm lượng đổi mới sáng tạo lớn, hoặc muốn đăng ký tài sản trí tuệ ở nước ngoài). 

Một chiến dịch đăng ký tài sản trí tuệ phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp vừa bảo vệ tài sản trí tuệ kịp thời, vừa cân đối được dòng tiền đối với những hoạt động kinh doanh khác.

Cuối cùng, với một chiến lược đăng ký rõ ràng, doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng được một chiến lược thương mại hóa tài sản trí tuệ một cách phù hợp, từ đó tạo ra dòng tiền ổn định, hiệu quả cho doanh nghiệp. 

* Bài viết thể hiện quan điểm của bà Trâm Nguyễn, Chuyên gia thương mại hoá tài sản trí tuệ.