Kỳ lân Kredivo phả hơi nóng vào cuộc đua ngân hàng số tại Việt Nam

Việt Hưng - 16:55, 27/03/2023

TheLEADERTrong khi các ngân hàng số nội như Cake by VPBank, Liobank by OCB, hay Tnex by MSB đang tăng tốc chiếm lĩnh thị phần, thì việc có thêm một tay chơi ngoại tham gia thị trường sẽ khiến cuộc đua ngày càng sôi động.

Startup Kredivo - được vận hành bởi Kredivo Holdings (trước đây là FinAccel) có trụ sở tại Singapore đã huy động thành công 270 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất. Trước đó, công ty này được định giá trên 2 tỷ USD và trở thành một Kỳ lân tại Đông Nam Á.

Ngoài việc mở rộng các tính năng, tiện ích "Mua trước trả sau" (BNPL) trên ứng dụng, một tham vọng khác của Kredivo được Giám đốc chiến lược Abhijay Sethia chia sẻ, đó là công ty này sẽ còn đẩy mạnh mảng dịch vụ ngân hàng số.

Tỏ ra nhanh chân hơn so với các đối thủ như Grab, SEA khi còn đang phải loay hoay với vấn đề thủ tục, pháp lý, Kredivo Holdings đã sở hữu ngay cho mình một ngân hàng số là Krom Bank Indonesia (trước đây được biết đến là Bank Bisnis Internasional).

Dù công ty chưa đề cập đến kế hoạch phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, nhưng điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra nếu như thị trường thực sự thuận lợi.

Tháng 9/2021, Kredivo mở rộng hoạt động sang Việt Nam thông qua liên doanh với Phoenix Holdings. Công ty con mới thành lập có tên Kredivo Vietnam Joint Stock Company là sự hợp tác giữa Kredivo với Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) - do Phoenix Holdings nắm vốn.

Chủ tịch của Phoenix Holdings - ông Henry Nguyễn cũng chính là Chủ tịch của ngân hàng số Timo, sau khi Timo có đối tác mới là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank).

Có nghĩa, trong trường hợp Kredivo muốn mở rộng hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam, Timo và VietCredit có thể là những cánh tay nối dài, tạo ra một hệ sinh thái tài chính phi ngân hàng.

Cơ sở cho kịch bản này đến từ việc Việt Nam đang trở thành thị trường có tốc độ số hóa ngân hàng nhanh nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo McKinsey. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2021, tỷ lệ khách hàng cá nhân tích cực sử dụng ngân hàng số đã tăng 41%, đạt 82% ở năm 2021.

Song song với đó, mức thâm nhập dịch vụ fintech và ví điện tử của Việt Nam đạt 56% trong năm 2021, tăng 40% so với năm 2017. 73% khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau. Điều này có nghĩa là họ sử dụng kết hợp ngân hàng số và các chi nhánh vật lý.

Mặc cho sự thay đổi về hành vi khách hàng trong thời gian qua, McKinsey đánh giá rằng các ngân hàng vẫn chưa làm đủ tốt để nắm bắt doanh số qua kênh kỹ thuật số.

Kỳ lân Kredivo phả hơi nóng vào cuộc đua ngân hàng số tại Việt Nam
Kredivo Holdings là công ty mẹ của ngân hàng số Krom Bank Indonesia

Thực tế, để bù đắp vào khoảng trống giữa ứng dụng ngân hàng và ví điện tử/ứng dụng fintech, nhiều mô hình "ngân hàng số" thế hệ mới đã được ra đời tại Việt Nam, dưới sự bảo chứng của các ngân hàng truyền thống.

Ông Nguyễn Hữu Quang - CEO ngân hàng số Cake by VPBank từng chỉ ra sự khác biệt giữa ngân hàng số, ví điện tử, hay các ứng dụng ngân hàng.

Về cơ bản, chức năng và nhiệm vụ của ví điện tử chủ yếu xoay quanh hoạt động thanh toán, cụ thể là các khoản thanh toán nhỏ. Muốn có thêm các tính năng đa dạng, ví điện tử vẫn cần liên kết chặt chẽ với các ngân hàng, các tổ chức tài chính được cấp phép. Nên xét về mặt chức năng, ngân hàng số đa dạng và tự chủ hơn trong mặt vận hành.

"Còn ngân hàng số và ứng dụng số của ngân hàng giống nhau về mặt dịch vụ, đó là có đầy đủ các dải sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân, từ đầu tư, tiết kiệm, cho đến vay tiêu dùng, hay mở thẻ tín dụng… Nhưng điểm khác biệt nằm ở mô hình kinh doanh", CEO Cake by VPBank chia sẻ.

Theo ông Quang, một số ứng dụng số của ngân hàng truyền thống tập trung chủ yếu vào các dịch vụ tài chính cơ bản, còn với các quy trình, dịch vụ nâng cao hơn vẫn phải ra chi nhánh ngân hàng để thực hiện. Trong khi với ngân hàng số Cake, trải nghiệm dịch vụ tài chính được liền mạch, hoàn toàn xử lý tự động trên môi trường số.

Một ngân hàng bán lẻ truyền thống hoạt động với mô hình chi nhánh, để thu hút và phục vụ khoảng gần 3 triệu khách hàng cần rất nhiều năm tích lũy, cũng như đội ngũ nhân sự từ 1.000 đến 3.000 người. Trong khi với ngân hàng số Cake by VPBank, cùng lượng khách hàng đó, công ty chỉ cần 150 con người xây dựng trong gần 2 năm.

Nếu như Cake tận dụng được hệ sinh thái công nghệ (gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn) của công ty chủ quản Be Group với sản phẩm chiến lược là mở thẻ tín dụng online, thì Übank - một ngân hàng số khác cũng được VPBank phát triển vào đầu năm 2022 chấp nhận hỗ trợ khoản vay dự phòng gấp 10 lần lương của một khách hàng.

Website của ngân hàng số Übank thông tin, ứng dụng này cho phép vay tiền mặt nhanh trong 5 phút chỉ với thông tin công ty đang làm việc, lãi suất chỉ từ 15%/năm và không cần hồ sơ bản cứng.

"Các sản phẩm của Übank có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của tất cả các nhóm khách hàng trên thị trường, đặc biệt với các khách hàng có thu nhập trung bình và thấp, là nhóm khách hàng không có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm dịch vụ ngân hàng và chưa được phục vụ chỉn chu tại các ngân hàng truyền thống", ông Hovorka Marek - Giám đốc ngân hàng số Übank chia sẻ.

Kỳ lân Kredivo phả hơi nóng vào cuộc đua ngân hàng số tại Việt Nam 1
Cake by VPBank tuyên bố đạt 3 triệu người dùng sau gần 2 năm ra mắt

Không chỉ có VPBank, mà Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng là đơn vị rất tích cực trong việc phát triển ngân hàng số. Ngoài ứng dụng OCB OMNI, thì đầu năm nay, ngân hàng này đã tung ra ngân hàng số thế hệ mới Liobank hướng tới khách hàng trẻ sành công nghệ.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, nếu như ứng dụng của ngân hàng hướng đến tất cả khách hàng, thì ứng dụng ngân hàng số chỉ tập trung vào một nhóm khách hàng riêng là người trẻ, lớn lên trong thời đại số. Như Liobank tập trung vào tính năng chủ đạo mua sắm hoàn tiền lên tới 10%

Ngoài ra, mọi giao dịch và yêu cầu của khách hàng đều có thể thực hiện trên Liobank mà không cần đến quầy giao dịch, hay thủ tục giấy tờ xác minh phức tạp. Thông qua Liobank, khách hàng sẽ được cấp thẻ 2 trong 1 - kết hợp giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ (thẻ ATM) với hạn mức tín dụng lên tới 300.000.000 đồng.

Trong khi đó, ngân hàng số Tnex chọn chiến lược đem tới cho khách hàng trải nghiệm mua sắm, sử dụng dịch vụ ăn uống tại các đại lý liên kết (Merchant) trong hệ thống và thanh toán bằng QR code.

Tnex được phát triển và vận hành bởi Công ty Dịch vụ và Nền tảng Tài chính kỹ thuật số Tnex được bảo trợ bởi Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), đồng thời là một công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn TNG Holdings Vietnam.

Trong báo cáo trước kiểm toán năm 2021, đơn vị bảo trợ cho Tnex là MSB từng cho biết, sau khi ngân hàng số Tnex đi vào hoạt động, MSB đã đạt được môt số kết quả tích cực, kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 3 triệu người dùng sau 3 năm đầu và góp phần giảm CIR của ngân hàng xuống dưới 45% vào năm 2023.

Tính đến hết năm 2022, Tnex đã cán mốc 1,5 triệu khách hàng, đạt mức tăng trưởng 200% so với năm trước.

Kỳ lân Kredivo phả hơi nóng vào cuộc đua ngân hàng số tại Việt Nam 2
Ngân hàng số Timo công bố gọi vốn thành công 20 triệu USD vào đầu năm 2022

Tất nhiên, không phải ứng dụng ngân hàng số nào cũng có được tốc độ tăng trưởng như kì vọng. Thành lập từ năm 2015, ngân hàng số Timo mới đạt hơn 500.000 lượt tải xuống tính đến tháng 10/2022.

Sau khi chuyển sang đối tác mới là Ngân hàng TMCP Bản Việt, hoạt động kinh doanh của Timo mới bắt đầu khởi sắc. Trong báo cáo thường niên năm 2021, VietCapital Bank cho biết số lượng khách hàng Timo và tổng huy động vốn qua kênh này tăng trưởng lần lượt 140% và 80% so với năm 2020.

Đồng thời, tới đầu năm 2022, ngân hàng số Timo công bố gọi vốn thành công 20 triệu USD. Thời gian gần đây, Timo hướng đến mục tiêu phát triển thành một ngân hàng kết nối cộng đồng (social banking), giúp kết nối mọi người trong xã hội với nhau thay vì chỉ là một doanh nghiệp cung cấp tài khoản ngân hàng và các giao dịch tài chính.

Thực tế, ngân hàng số là một cuộc đua khốc liệt. Ông Nguyễn Hữu Quang - CEO ngân hàng số Cake by VPBank từng thừa nhận, khoảng 95% các ngân hàng số trên thế giới chưa tạo ra lợi nhuận, hoặc lợi nhuận rất thấp do mới tập trung vào các dịch vụ thanh toán đơn thuần, mà hầu hết các dịch vụ thanh toán hiện nay đều được đơn vị phát triển áp dụng miễn phí trọn đời.

Tất nhiên, không phải là không có cơ hội cho những ngân hàng số đến sau trong thị trường đầy tiềm năng này. Trước khi thử sức với ngân hàng số, thì các ngân hàng truyền thống có thể bắt đầu thử nghiệm bằng một ví điện tử.

Ví điện tử Ting là một sản phẩm của Công ty cổ phần công nghệ Vidiva, nhưng hoạt động dưới sự bảo chứng của ngân hàng Vietbank. Thẻ Ting được phát hành bởi Vietbank, theo giấy phép với tập đoàn thẻ quốc tế Visa. Nếu thành công, Vietbank có thể sớm tung ra một ứng dụng ngân hàng số trong tương lai.

Trên thế giới, vẫn có những nhóm ngân hàng số hiện đang phát triển rất tốt và phát triển một cách bền vững. Như là ở thị trường Nga có ngân hàng số Tinkoff. Ở Hàn Quốc là ngân hàng số Kakao Bank đã niêm yết vào năm 2021. Tương tự tại Trung Quốc cũng có nhiều ngân hàng số được ra đời và mang về lợi nhuận tốt.