Lạm phát có thể vượt 4% vì xung đột Nga – Ukraine

Minh Khôi - 09:53, 02/03/2022

TheLEADERTheo dự báo của Dragon Capital dựa trên các kịch bản giá dầu theo diễn biến giữa Nga và Ukraine, lạm phát Việt Nam 2022 sẽ tiến sát đến ngưỡng mục tiêu 4%, và thậm chí có khả năng tăng cao hơn.

Dragon Capital nhận định ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đến Việt Nam không quá lớn, trong đó tác động rõ ràng nhất sẽ là giá xăng dầu trong nước tăng và lạm phát có thể tăng theo.

Thêm vào đó, cán cân thương mại có thể sẽ không được tích cực như kỳ vọng, vì chi phí nhập khẩu dầu tăng cao, và có khả năng xuất khẩu giảm do sự thiếu hụt của nguyên phụ liệu trong sản xuất các mặt hàng điện tử.

Cụ thể, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể tác động đến thị trường toàn cầu, khiến giá dầu Brent tăng cao và ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam. Hiện tại, mặt hàng xăng dầu đóng góp 3,6% và nhóm giao thông vận tải chiếm 9,7% rổ lạm phát Việt Nam.

Tính từ đầu năm tới nay, mức giá dầu thô Brent đã tăng hơn 27% và diễn biến giá tiếp theo sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm diễn biến tại Ukraine và tiến triển của thỏa thuận hạt nhân Iran.

JP Morgan nhận định trong thời gian tới, giá dầu sẽ dao động ở mức 88 – 105 USD/thùng tùy vào các kịch bản. Điều này đồng nghĩa với việc lạm phát cơ bản của Việt Nam có thể tăng tới 0,65% so với ước tính trước đây.

Lạm phát có thể vượt 4% vì xung đột Nga – Ukraine
Dự báo lạm phát Việt Nam 2022 dưới tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine.

Dù vậy, chuyên gia của Dragon Capital lưu ý rằng ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng lên lạm phát Việt Nam có thể sẽ không quá lớn, bởi không phải lúc nào giá xăng trong nước với giá dầu thế giới cũng biến động cùng chiều.

Trên thực tế, giá nhiên liệu của Việt Nam hiện tại bao gồm rất nhiều loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế môi trường) cũng như các yếu tố bình ổn giá khác.

Ngoài ra, để duy trì lạm phát dưới mức mục tiêu Quốc hội đã đề ra là 4%, Dragon Capital khuyến nghị Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát giá, như hỗ trợ tài chính công ty lọc hóa dầu để giúp xử lý một số khó khăn tạm thời, và đưa công suất về mức bình thường.

Gần đây, Bộ Công thương và các bộ ban ngành liên quan có kế hoạch thực hiện bán đấu giá 100 triệu lít xăng RON-92 từ dự trữ quốc gia trong tháng này, để tăng nguồn cung trong nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính cân nhắc việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, và chi tiết sẽ được thảo luận vào kỳ họp Quốc hội tới. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 15% giá xăng dầu trong nước và tổng các loại thuế và phí chiếm tới 42%.

“Ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng tăng đối với chỉ số giá tiêu dùng là không quá lớn. Một số cấu phần khác của rổ lạm phát như điện nước, y tế, hay giáo dục vẫn đang được kiểm soát rất tốt và vẫn còn dư địa để điều chỉnh giá”, Dragon Capital phân tích.

Ngoài vấn đề lạm phát, Việt Nam có thể không hoàn toàn tránh được hệ quả tiêu cực từ xung đột giữa Nga và Ukraine dù những tác động trực tiếp không đáng kể.

Khi vai trò của Việt Nam trong giao thương quốc tế ngày càng gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử.

Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn về niken, neon, krypton, nhôm và palladium – những vật liệu quan trọng để sản xuất các nguyên phụ liệu cấu thành các thiết bị điện tử. Vì vậy, bất kỳ hạn chế hay gián đoạn nào về nguồn cung hàng hóa Nga có thể gây gián đoạn chuỗi sản xuất thiết bị điện tử.

Mặc dù Việt Nam không nhập khẩu những vật liệu này trực tiếp từ Nga và Ukraine, nhưng lại mua từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan. Trong khi đó, các thị trường Đông Á này đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây, và có thể sẽ áp dụng một số hạn chế giao thương với Nga.

Vì vậy, việc Nga bị hạn chế kinh tế do tác động của các đòn trừng phạt có thể ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam.