Lạm phát được kiểm soát sau 3 tháng tăng liên tiếp

Minh Anh - 21:03, 01/08/2018

TheLEADERCPI bình quân 7 tháng đầu năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm 2016.

Lạm phát được kiểm soát sau 3 tháng tăng liên tiếp
CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng 6

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kết quả tháng 7 tốt hơn tháng 6. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.

Cụ thể, CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp, tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%. CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước.

Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%. Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ).

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 133,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái), cả nước xuất siêu 3,1 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, theo ông Dũng, các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. 

Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia. 

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho hay.