Chỉ số PMI tháng 7: Giảm nhẹ nhưng vẫn rất tích cực

Đức Anh - 11:07, 01/08/2018

TheLEADERChỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 7 của Việt Nam cho thấy sản lượng tăng lần thứ tám liên tiếp, số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh và tốc độ tạo việc làm vẫn cao.

Theo công bố từ Nikkei – HIS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) đã giảm nhẹ từ mức 55,7 điểm của tháng 6 còn 54,9 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn là một trong những mức tăng cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong suốt 32 tháng qua.

Chỉ số PMI tháng 7: Giảm nhẹ nhưng vẫn rất tích cực
Mức điểm trên 50 cho thấy sự mở rộng sản xuất, dưới 50 thể hiện chiều hướng ngược lại.

Theo báo cáo này, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ cao vào tháng 7 dù sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới chậm lại một chút so với tháng trước.

Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất tiếp tục tăng với mức độ đáng kể trong tháng 7 và tốc độ tăng chỉ chậm hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 5.

Các công ty đã đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng bằng cách tiếp tục tăng sản lượng trong kỳ khảo sát. Mức độ tăng giá vẫn mạnh dù đã chậm lại so với tháng trước. Tất cả ba lĩnh vực thị trường khảo sát đều có sản lượng tăng, đứng đầu là lĩnh vực hàng hóa trung gian.

Sản lượng tăng mạnh giúp lượng công việc tồn đọng trong tháng 7 giảm tháng thứ hai liên tiếp dù ở mức nhẹ.

Mức độ tạo việc làm mạnh mặc dù đã chậm lại so với mức kỷ lục trong tháng 6. Trong khi đó, hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng đáng kể khi báo cáo cho biết không ít công ty muốn tăng lượng hàng tồn kho.

Tồn kho của cả hàng mua và hàng thành phẩm đều tăng. Tốc độ tăng hàng tồn kho trước sản xuất đã nhanh hơn, cao nhất trong vòng 5 tháng và tồn kho thành phẩm tăng nhẹ trong tháng 7 sau khi giảm trong tháng 6.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn cao và các thành viên nhóm khảo sát cho rằng giá cao xuất phát từ tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho khách hàng đã làm giá cả đầu ra tiếp tục tăng, với tốc độ tăng chỉ thay đổi một chút so với tháng 6.

Những dự báo về số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong 12 tháng tới đã làm tăng mức độ lạc quan về tăng sản lượng. Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng so với tháng trước khi có gần 51% số người trả lời khảo sát dự báo tăng sản lượng.

Ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit đánh giá: “Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mức độ lạc quan về tương lai được phản ánh bởi mong muốn tăng hàng tồn kho của các công ty để sẵn sàng tiếp tục tăng sản lượng và tiếp tục tăng mạnh số lượng việc làm”.