Làm thế nào để thu hút FDI hiệu quả và bền vững?

Phạm Sơn - 17:11, 13/11/2020

TheLEADERTiếp tục lún sâu vào cuộc đua ưu đãi trực tiếp khiến các quốc gia ASEAN khó thu hút được nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao.

Làm thế nào để thu hút FDI hiệu quả và bền vững?
Các quốc gia ASEAN đang tiêu tốn khoản chi phí rất lớn cho việc ưu đãi trực tiếp các dự án FDI.

ThS. Phạm Văn Long, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thành viên nhóm nghiên cứu hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN cho biết, vốn FDI vào khu vực ASEAN đã tăng mạnh kể từ năm 2017, đến năm 2019 đã đạt 160 tỷ USD, trong đó tập trung chủ yếu là lĩnh vực sản xuất.

Thu hút FDI được coi là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế của các nước ASEAN, với kỳ vọng về tiếp thu công nghệ, tạo ra công ăn việc làm cũng như tăng thu ngân sách và tạo động lực cho kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quốc gia ASEAN dù vẫn đạt được mức tăng trưởng cao nhưng đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng ở mức báo động. Theo nhận định của các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu, hầu hết các nước ASEAN đang hạn chế chi tiêu cho giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, đặc biệt khi đối mặt với áp lực tài khóa và thâm hụt ngân sách kéo dài.

TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR, thành viên nhóm nghiên cứu hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN nhận xét, các quốc gia ASEAN đang tiêu tốn khoản chi phí rất lớn với việc ưu đãi trực tiếp về thuế hay tiền thuê đất cho doanh nghiệp FDI nhưng không đem lại hiệu quả đáng kể.

Về phía góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào ASEAN không phải bởi vì các ưu đãi trực tiếp về thuế hay tiền thuê đất, mà bởi những lợi thế ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, ASEAN là thị trường rộng lớn với gần 600 triệu dân, mức độ hội nhập nội khối ngày càng sâu sắc, tiềm năng tăng trưởng cao, sức mua dồi dào cùng nhiều nguồn lực ưu thế khác, tạo ra sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế số đang lên ngôi, những phương thức đầu tư kinh doanh mới, các nhà đầu tư có thể không cần xây nhà máy mà hoạt động trên nền tảng trực tuyến như điện toán đám mây, khiến cho các biện pháp ưu đãi trực tiếp càng trở nên vô nghĩa.

Hàm ý chính sách thu hút FDI trong thời gian tới

Làm thế nào để thu hút FDI hiệu quả và bền vững?
Các chuyên gia thảo luận về chính sách thu hút FDI cho Việt Nam và các nước ASEAN trong thời gian tới. Ảnh: Báo Pháp luật.

Tại hội thảo Hướng tới phát triển ASEAN bền vững: Cải thiện môi trường kinh doanh là chìa khóa để thu hút FDI, không phải cạnh tranh ưu đãi thuế và đất đai, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Long đưa ra 5 đề xuất đối với chính sách thu hút FDI của Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN.

Đầu tiên, lập danh sách trắng, danh sách đen về thuế ưu đãi, trong đó danh sách đen là những chính sách hỗ trợ dư thừa, không nên áp dụng, còn danh sách trắng là những ưu đãi gián tiếp, có tính chất hỗ trợ, tăng cường môi trường kinh doanh như bảo hộ sở hữu trí tuệ, đào tạo lao động…

Về điều này, nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đã đưa ra đề xuất thay thế các ưu đãi trước đầu tư thành ưu đãi sau đầu tư và ưu đãi dựa trên kết quả hoạt động để khuyến khích doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hạn chế các hiện tượng tiêu cực như chuyển giá, gian lận thuế.

Thứ hai, chấm dứt cạnh tranh về ưu đãi đất đai, bởi việc cho thuê đất trong thời gian dài với giá rẻ có thể tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng, gây nên sự bức xúc trong xã hội. Điều cần thiết là phải đưa ra một tiêu chuẩn chung về thời gian cho thuê, vừa đảm bảo không quá ngắn để duy trì tính ổn định cho các dự án đầu tư nhưng cũng không được quá dài.

Cụ thể, nhóm chuyên gia đề xuất thời gian cho thuê đất tối đa là 50 năm, kèm theo chính sách điều chỉnh giá thuê hàng năm, thay vì giá thuê cố định được ấn định ngay khi ký kết hợp đồng. Điều này còn giúp nhà nước chủ động hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khi có biến động bất thường như Covid-19 xảy ra.

Nguồn thu từ việc cho thuê đất là một khoản tương đối lớn, có thể được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống cầu, đường, cảng biển… sẽ đem lại hiệu quả thu hút FDI tốt hơn.

Thứ ba, thống nhất mức thuế suất tối thiểu cho toàn khu vực, cụ thể là khoảng 12,5% - 20%, giúp đảm bảo nguồn thu thuế. Ông Thành giải thích, mức thuế suất tối thiểu này đã được tính đầy đủ cả ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp, tránh hiện tượng đua nhau giảm thuế như trước đây.

Thứ tư, xây dựng quy tắc quản trị ưu đãi đầu tư, yêu cầu sự nhất quán về thời hạn, tiêu chí thay vì thực hiện một cách tùy tiện như hiện nay. Theo đó, qua rà soát, nhóm chuyên gia cho thấy các nước ASEAN đều đang đưa ra những quy định ưu đãi đầu tư rải rác ở nhiều bộ luật, gây ra sự chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau.

Như vậy, việc thống nhất và đưa các quy định ưu đãi về chung một bộ luật sẽ đảm bảo được tính minh bạch và khả năng quản trị tốt. Các chính phủ cũng cần phải làm phân tích chặt chẽ về mối tương quan chi phí và lợi ích trước khi quyết định áp dụng hình thức ưu đãi cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, các quốc gia trong khu vực cần có sự đồng thuận về việc cải thiện môi trường kinh doanh, đưa ra một danh sách chung về những yếu tố quan trọng nhất trong việc thu hút FDI để tập trung làm tốt.

Theo nhóm chuyên gia, các yếu tố này cần ưu tiên 3 mục tiêu, bao gồm độ mở của nền kinh tế, giảm gánh nặng hành chính trong kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, song song với đó, các chỉ tiêu khác như môi trường vĩ mô, chất lượng thể chế, hiệu quả chính phủ, cơ sở hạ tầng… cũng cần có kế hoạch kiện toàn.