Lĩnh vực nội dung số đang thiếu nhân lực chất lượng cao

Việt Hưng - 15:17, 26/04/2023

TheLEADERChủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) đánh giá, do sự phát triển của quá nhanh của các loại hình nội dung cũng khiến Việt Nam chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể phát triển ngành nội dung số.

Thế giới phẳng cho lĩnh vực nội dung số

Theo số liệu được công bố bởi ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA), tính đến quý 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số. Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, với số lượng người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người.

Thống kê dựa trên các nền tảng nội dung xuyên biên giới ghi nhận Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng Youtube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng Tik Tok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.

Hành vi tiêu dùng số cũng có sự dịch chuyển đáng kể với 4 xu hướng ảnh hưởng mạnh mẽ tới hành vi tiêu dùng số như: mua sắm trên mạng xã hội; trải nghiệm VR/AR; social video; và trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, thị trường phim hoạt hình trên toàn cầu cũng tăng trưởng ngoạn mục, ước đạt 391,19 tỷ USD năm 2022 và dự kiến lên tới 587,1 USD vào năm 2030. Riêng lĩnh vực hoạt hình 3D đang tăng tốc phát triển rất nhanh, doanh thu hoạt hình 3D dự kiến tăng đến 47,021 triệu USD vào năm 2030.

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Nhiều trường tham gia đào tạo thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam: ĐH FPT, ĐH Phương Đông, ĐH Bưu chính viễn thông, Cao đẳng truyền hình,...

Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ là thúc đẩy kinh tế số thành ngành mũi nhọn. Nhà nước đã và đang xây dựng một loạt chính sách tạo các hành lang pháp lý thuận lợi hoạt động kinh doanh, nghiên cứu chính sách thuế, hoạt động kết nối xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Lĩnh vực nôi dung số đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA)

Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam

Đi cùng với những thuận lợi, Chủ tịch DCCA cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tiên có thể kể đến là mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mang tính tự phát và mang tính rủi ro cao.

Số lượng các doanh nghiệp startup nhiều, nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Đến hết 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 startup, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, nhưng chỉ 50% startup tồn tại sau 5 năm hoạt động.

Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vai trò là tổng công trình sư, đủ tầm nhìn thiết kế sản phẩm một cách toàn diện - đa dòng, đa mảng như mô hình sản phẩm 360 của Nhật - Hàn - Mỹ.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh yếu dẫn tới doanh nghiệp Việt dễ bị tổn thương khi ra nhập thị trường quốc tế. Trường hợp một doanh nghiệp lớn ở Anh đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect Việt Nam.

Cũng doanh nghiệp ở Anh khởi kiện hơn 30 vụ xâm phạm quyền tác giả, nhãn hiệu ở Trung Quốc, 02 vụ ở Nga. Một số doanh nghiệp game của Việt Nam bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty Trung Quốc, Nhật Bản. Việt Nam bị gán nhãn là nước có vi phạm bản quyền phổ biến.

Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có các sản phẩm tạo được tiếng vang lớn, dẫn tới thiếu cơ hội kinh doanh và giá trị nguồn lao động chưa cao. Nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao, dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.

"Sự phát triển của quá nhanh của các loại hình nội dung cũng khiến Việt Nam chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể kịp thời để hỗ trợ phát triển ngành nội dung số. Sáng tạo hay kinh doanh trên nền tảng số chưa được thực sự được coi là một mảng kinh doanh và có tỷ trọng cụ thể trong nền kinh tế. Chúng ta còn thiếu đi những hành lang pháp lý để bảo vệ và nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên trường quốc tế, chưa có các phương án bảo vệ trước tranh chấp có thể xảy ra", Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam nhấn mạnh.

Lĩnh vực nôi dung số đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao 1
Lĩnh vực nôi dung số đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Giải pháp để chinh phục thị trường quốc tế

Với những điểm mạnh và điểm yếu nêu trên, ông Tạ Mạnh Hoàng cũng chia sẻ về kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển của một đơn vị sáng tạo nội dung cho thị trường quốc tế.

Theo ông Hoàng, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam nên nghiên cứu và vận dụng mô hình phát triển thành công của các doanh nghiệp: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

Từ đó, phát triển mô hình sản phẩm IP (tài sản sở hữu trí tuệ): đa dạng dòng sản phẩm, đa dạng nền tảng kinh doanh. Kiên trì chinh phục từng dòng sản phẩm, nền tảng kinh doanh, mảng kinh doanh từ thị trường trọng tâm mở rộng ra toàn thế giới.

Doanh nghiệp cần xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, coi đây là bước chuyển từ mô hình kiếm tiền nhanh sang mô hình phát triển có chiều sâu.

Đồng thời, tăng cường giao lưu liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cùng mảng trong nước và quốc tế, tham dự các triển lãm, hội trợ cùng mảng quốc tế, tiếp cận và học hỏi các mô hình quản trị hiện đại, các công nghệ mới, tuyển dụng và bồi dưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia trong mảng.

"Kết nối với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, tham vấn chính sách phát triển cùng cơ quan nhà nước. Chia sẻ những vướng mắc, các khó khăn làm cơ sở để tạo nên sự kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước tạo sự thuận lợi xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển tổng thể mảng, tạo dựng các cơ hội kinh doanh, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế", Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam nói.