Lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí có thể tăng hơn 20%

Tuệ Minh - 09:10, 27/01/2022

TheLEADERCác công ty chứng khoán phân tích và dự báo lợi nhuận toàn ngành dầu khí có thể tăng hơn 20% nhờ hưởng lợi từ giá dầu gia tăng sau đại dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI), năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận ngành dầu khí đạt 20%, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng của các năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) sẽ được hưởng lợi từ giá dầu tăng nhờ hàng tồn kho chi phí thấp. Sản lượng tiêu thụ có thể hồi phục trong 2022 so với mức thấp trong 2021. Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) hưởng lợi do giá dầu tăng và điều kiện thị trường trong khu vực hồi phục.

Do đó, lợi nhuận năm nay của PV OIL có thể tăng tới 503% so với năm 2021 nhờ công suất và giá thuê tăng cũng như doanh thu tăng từ giàn khoan TAD, với giả định giá dầu thô Brent theo kịch bản cơ sở là 70 USD/ thùng.

Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) sẽ có lợi nhuận trong năm 2022 tăng trưởng 42% so với năm trước, nhờ nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi sau giãn cách xã hội và giá dầu tăng.

Theo đó, yếu tố hỗ trợ giá dầu là nhu cầu tăng, đặc biệt từ ngành hàng không, bởi việc các quốc gia đang phục hồi và mở cửa trở lại. Ngoài ra, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bất ổn chính trị cũng đẩy giá dầu tăng trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, báo cáo của SSI cũng dẫn số liệu từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019, do các hoạt động đầu tư đã chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiêu liệu hóa thách đã giảm trong những năm gần đây.

Vì thế, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu. Các phân tích của SSI dự báo giá dầu thô Brent trung bình là 70 USD/thùng, không đổi so với cùng kỳ.

Đối với ngành dầu khí Việt Nam, giá dầu trên 60-65 USD/thùng sẽ thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) trong dài hạn. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là trọng tâm hàng đầu cho Việt Nam trong những năm tới. Chính phủ đã phê duyệt một số dự án khu phức hợp năng lượng LNG để giải quyết tình trạng thiếu cung khí và nhu cầu điện tăng.

Còn theo nhận định của MBKE, Việt Nam đã đưa ra cam kết nhằm đạt trung hòa carbon vào năm 2050 tại cuộc hội đàm về chống biến đổi khí hậu COP26. Điều này cũng dẫn đến nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư và nhà thầu về năng lượng tái tạo. Về lâu dài, MBKE cho rằng, những doanh nghiệp dầu khí đang tích cực chuyển sang xu hướng “xanh” sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu thô cho lĩnh vực vận tải vẫn chiếm hơn 65% tổng nhu cầu trên toàn thế giới, trong khi xu hướng xe điện đang ngày một tăng trưởng mạnh với tốc độc luôn ở mức 2 con số mỗi năm.

Sự thành công của ngành vận tải không khói sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu. Ngoài ra, sự bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển cũng đang là tiền đề để xu hướng xe điện phát triển tại các khu vực này. Do đó, VCBS nhận định giá dầu trong dài hạn có thể trong xu hướng giảm.

Trong năm 2021 vừa qua, các doanh nghiệp ngành dầu khí đã đạt được kết quả kinh doanh đầy khả quan. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành vượt kế hoạch cả năm trước 2 tháng, đạt 620.200 tỷ đồng, vượt 26,4% kế hoạch năm, tăng 28% so với năm 2020; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 45.000 tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm, tăng 2,2 lần so với năm 2020.

Với các công ty thành viên, PV GAS có doanh thu ước đạt gần 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.380 tỷ đồng, vượt 14% chỉ tiêu doanh thu và vượt 19% chỉ tiêu lợi nhuận. PV OIL ước đạt doanh thu hợp nhất 55.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PV OIL ước đạt 884 tỷ đồng, vượt 121% kế hoạch cả năm 2021.