Lợi nhuận trăm tỷ của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Trần Anh - 14:29, 31/05/2021

TheLEADERBệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn là thành viên chủ chốt của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, hệ thống y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trong 3 năm gần đây bệnh viện này đạt tổng lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng.

Các số liệu cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế, dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm qua. Điều này giúp cho khu vực tế tư nhân tiếp tục phát triển cả về quy mô và số lượng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số bệnh viện tư nhân tăng từ 102 bệnh viện năm 2010 lên 231 bệnh viện năm 2019, số giường bệnh cũng tăng từ 5.800 giường lên 16.000 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân, góp phần đáng kể vào cung cấp dịch vụ y tế, cả khám chữa bệnh và phòng bệnh.

Dù y tế tư nhân nở rộ, thống kê cho thấy hàng năm người Việt vẫn chi ra khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh, điều này cho thấy dư địa phát triển của y tế tư nhân tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Năm ngoái khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, buộc Chính phủ phải tiến hành giãn cách xã hội, nhu cầu thăm khám bệnh tại các bệnh viện tư nhân của người dân vẫn rất cao. Nhờ đó một số bệnh viện tư nhân tiếp tục có kết quả kinh doanh tích cực.

Báo cáo của Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho thấy trong năm 2020, công ty mẹ ghi nhận doanh thu đạt 1.230 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 7%. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt 346 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với mức 400 tỷ đồng năm 2019. Trước đó năm 2018 bệnh viện ghi nhận 1.133 tỷ đồng doanh thu và 346 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận trăm tỷ của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Được thành lập năm 1997, bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn là bệnh viện tư nhân lâu đời nhất Việt Nam, hiện có 2 cơ sở tại TP.HCM. Năm 2013, Hoàn Mỹ Sài Gòn gia nhập Tập đoàn Clermont của tỷ phú Richard F.Chandler để phát triển thành Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ với hệ thống trải dài từ miền Trung đến miền Nam với 8 bệnh viện và 1 Phòng khám.

Các năm gần đây, Clermont Group tiếp tục rót vốn mua lại nhiều bệnh viện, phòng khám tại Việt Nam trong đó có bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc và phòng khám đa khoa Hữu Nghị. Các thương vụ này đã đưa Hoàn Mỹ trở thành Tập đoàn y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay với 15 bệnh viện và 6 phòng khám trải dài từ Bắc Trung Bộ tới miền Tây Nam Bộ với qui mô hơn 3.407 giường bệnh cùng đội ngũ 879 bác sĩ, 5.283 điều dưỡng và nhân viên.

Mức lợi nhuận lớn của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn giúp tập đoàn mẹ thu về lợi ích tài chính lớn trong 3 năm qua. Cụ thể, trong 3 năm từ 2018 đến 2020, Công ty Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn đã trả tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng tiền cổ tức cho cổ đông.

Bức tranh tài chính của Hoàn Mỹ Sài Gòn có thể đại diện cho tình hình kinh doanh chung của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, khi hầu hết các bệnh viện trong hệ thống tập đoàn đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đáng kể trong vòng 5 năm trở lại đây.

Số liệu của Business Monitor International cho biết số tiền chi cho sức khoẻ tại Việt Nam năm 2017 ước khoảng 16,1 tỷ USD, ước đến năm 2021 con số này sẽ tăng lên khoảng 22,7 tỷ USD. Còn Báo cáo Việt Nam 2035 của World Bank dự báo, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế.

Dù được đánh giá nhiều tiềm năng, song đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân tại Việt Nam không phải lúc nào cũng thành công. Trên thực tế, hiện không ít bệnh viện tư nhân tại Việt Nam gặp khó khăn tài chính thậm chí rơi vào trình trạng phá sản.

Năm 2017, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phúc An Khang tuyên bố phá sản sau hơn 2 năm hoạt động. Một bệnh viện tư nhân lớn khác tại TP.HCM là Bệnh viện quốc tế City (City International Hospital - CIH) cũng liên tục ghi nhận lỗ ròng từ khi đi vào hoạt động năm 2014 đến năm 2018. Tương tự, hệ thống bệnh viện Vinmec của Tập đoàn Vingroup dù liên tục mở rộng ở nhiều tỉnh thành, doanh thu tăng trưởng cao mỗi năm nhưng vẫn chưa có lãi.