Luật Bảo vệ môi trường mới chính thức có hiệu lực từ năm 2022

Phạm Sơn - 11:06, 31/12/2021

TheLEADERThu phí rác thải theo khối lượng, quy định mới về giấy phép môi trường, không thu gom rác thải không được phân loại… là những điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, chính thức có hiệu lực vào năm mới.

Luật Bảo vệ môi trường mới chính thức có hiệu lực từ năm 2022
Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.

So với Luật Bảo vệ môi trường 2014, luật mới đưa ra những nội dung mang tính đột phá trong công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường từ cấp độ cộng đồng, người tiêu dùng cho tới công nghiệp.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, với công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại điều 54 và điều 55. Đây là công cụ được đánh giá là có tác động lớn, đã được đưa vào luật từ nhiều năm trước nhưng chưa có cơ chế thực thi.

Luật cũng công nhận cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, thay đổi phương thức quản lý môi trường với các dự án đầu tư, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định thu phí rác thải theo khối lượng, thay vì thu phí bình quân đầu người như trước đây. Quy định này được thực hiện bằng cách phát hành các túi rác thải với kích thước tương ứng và bán cho người dân. Giá tiền của túi rác sẽ thay thế cho phí bảo vệ môi trường.

Để giảm chi phí rác thải, người dân cần thực hiện phân loại. Chỉ có những loại rác thải sinh hoạt không có khả năng tái chế mới đặt vào túi rác thu phí.

Quy định về phân loại rác cũng được đặt ra trong luật mới. Cụ thể, mỗi gia đình có 3 thùng rác cho rác thải có khả năng tái chế, rác thải hữu cơ và rác không có giá trị tái chế. Gia đình, cá nhân nào không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển.

Những quy định này được kỳ vọng sẽ xử lý tốt công tác phân loại rác tại nguồn, được xem là mắt xích rất yếu trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, đảm bảo được nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, tránh “cào bằng” khiến người dân không có động lực phân loại rác, bảo vệ môi trường.