M&A doanh nghiệp không chỉ là phép cộng

Việt Hưng - 14:09, 13/04/2018

TheLEADERTăng trưởng là mong muốn của mọi doanh nghiệp khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố về tài chính và nhân lực. Tuy nhiên, tăng trưởng theo hướng nào luôn là câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp: M&A để tăng trưởng, hay phát triển tự thân theo hướng truyền thống?

M&A doanh nghiệp không chỉ là phép cộng
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM

Tuần trước, chương trình CEO – Chìa khoá thành công số 49 với chủ đề: "Doanh nghiệp gia đình - Tăng trưởng organic hay M&A" đã đặt ra tình huống về một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc.

Được biết, đây là một doanh nghiệp có bề dày hơn 20 năm. Sau rất nhiều thăng trầm, tới nay doanh nghiệp đã lớn mạnh, tiềm lực dư giả, và họ nhìn ra nhiều cơ hội hấp dẫn trong các ngành hàng có liên quan mật thiết đến chăn nuôi như: vắc-xin, thuốc thú y...

Từ đây, các thành viên Hội đồng quản trị đều nhất trí mở rộng sản xuất kinh doanh ra các lĩnh vực tiềm năng, nhưng giữa CEO và các thành viên còn lại trong HĐQT gặp phải mâu thuẫn về quan điểm mở rộng và đầu tư.

Trong khi CEO một mực bảo vệ quan điểm muốn M&A nhà máy sản xuất thuốc thú y hoặc vắc-xin để tối giản thời gian, cũng như tận dụng được mọi cơ hội, thì các cổ đông lại cho rằng, công ty cần phát triển tự thân để chắc chắn và tiết kiệm chi phí.

Đối mặt với bài toán này, các chuyên gia của chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 50 trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam đã đưa ra giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng và đầu tư hiệu quả nhất.

M&A không đơn thuần là phép tính cộng

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. HCM cho rằng, dù CEO đang mong muốn hướng tới việc M&A doanh nghiệp, nhưng mục tiêu cho hoạt động M&A lần này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Theo ông Dũng, bản thân chủ doanh nghiệp phải xác định rõ, M&A để làm gì, mục tiêu ra sao, tầm nhìn thế nào, để dựa trên cơ sở đó đưa ra được một chiến lược cụ thể.

Bởi nếu mục tiêu của doanh nghiệp chỉ đơn thuần là để có thêm những danh mục sản phẩm mới, cộng sinh vào mảng cốt lõi là thức ăn chăn nuôi, thì ông Dũng đưa ra lời khuyên: cân nhắc phương án hợp tác với các đơn vị uy tín trên thị trường, thay vì M&A.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM chỉ ra: “Khi làm chủ một doanh nghiệp, chúng ta nên hiểu rõ, M&A không đơn thuần là phép tính cộng. Bởi khi hai hay nhiều doanh nghiệp cộng hưởng vào nhau sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề mâu thuẫn diễn ra sau đó”.

Đầu tiên là mâu thuẫn về văn hóa, sau đó là mâu thuẫn về phương pháp quản trị và không loại trừ cả những mâu thuẫn liên quan tới thương hiệu.

Ông Chu Tiến Dũng lấy dẫn chứng, có những doanh nghiệp trong quá trình thương thảo M&A đã thống nhất được phương án tài chính, quản trị, nhân sự, nhưng tới khâu cuối cùng là lấy thương hiệu gì thì lại đổ bể vì mỗi người một ý.

Do đó, khi đã xác định cần thiết phải M&A, doanh nghiệp buộc phải lường hết những tình huống rủi ro có thể xảy ra. Tránh trường hợp mục tiêu, điều khoản, hợp đồng đã có, nhưng cuối cùng thương vụ lại đổ bể, tốn công sức và thời gian cho cả hai bên.

M&A doanh nghiệp không chỉ là phép cộng
Chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 50: “Doanh nghiệp gia đình - Tăng trưởng Organic hay M&A”

Luôn đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải M&A?

Ông Johnathan Ooi - Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, trước khi tính đến phương án M&A, bản thân doanh nghiệp phải nhìn nhận mình là ai, ở đâu, vị thế hiện tại của doanh nghiệp là gì.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần nhìn ra khoảng cách của mình với các đối thủ trên thị trường. Nhìn vào câu chuyện của công ty chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn cho gia súc này, ông Johnathan Ooi đưa ra lời khuyên:

“Các bạn là doanh nghiệp đầu ngành, thị phần lớn, đã có truyền thống lâu đời và giữ được khoảng cách với các đối thủ. Vì vậy, M&A chưa chắc đã cần thiết. Trong khi nguồn lực và tài chính đã đầy đủ, thì cái mà các bạn thiếu chỉ là thời gian. Vậy tại sao không bỏ ra 3-4 năm nữa tự đầu tư, nghiên cứu phát triển ngành nghề mới”.

Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam chỉ ra, M&A là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp tăng trưởng phi mã, nhưng đổi lại rủi ro cũng rất lớn. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp sau khi chọn M&A đã liên tục thua lỗ, thậm chí mất cả thương hiệu.

Do đó, doanh nghiệp khi muốn mở rộng và đầu tư cần tự mình đặt ra câu hỏi: “Có nhất thiết phải M&A?”.

Trong trường hợp cấp bách, bị đe dọa về thị trường, thị phần, doanh số, M&A là giải pháp cần thiết. Còn nếu duy trì được khoảng cách với đối thủ và xác định kinh doanh lâu dài, doanh nghiệp có thể cân nhắc phương áp hợp tác song song. Từ đây, công ty có thêm thời gian để củng cố vị thế, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các công ty bạn.

Ông Johnathan Ooi khẳng định, một khi doanh nghiệp đã nghĩ tới chuyện M&A, đó hẳn phải là một thương vụ đột phá. Doanh nghiệp thâu tóm tốt, thì doanh nghiệp sáp nhập cũng phải tương xứng. Bởi ngoài các yếu tố pháp lý, tài chính, đối tác cũng rất quan trọng.

Theo ông Johnathan Ooi, M&A là cả 2 doanh nghiệp phải giúp nhau cùng tiến. Bản chất của M&A là 2 thương hiệu mạnh sẽ đồng hành và hợp nhất cùng nhau tạo ra một cá thể đột phá hơn. Do đó, khâu chọn lựa đối tác cũng cần được đánh giá, xem xét kĩ lưỡng. Doanh nghiệp không nên “tham bát bỏ mâm”, chỉ nhìn vào những thương vụ “hời” mà quên đi hiệu quả sáp nhập sau đó.

Các chuyên gia của Chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 50: “Doanh nghiệp gia đình - Tăng trưởng Organic hay M&A” còn đưa ra những “chiêu bài” để giúp doanh nghiệp mở rộng và đầu tư hiệu quả hơn. Những “chiêu bài” đó ra sao?

Mời quý vị đón xem chương trình số 50 được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (15/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (16/4) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.