Masan sắp đưa công ty nông nghiệp tỷ USD lên sàn chứng khoán

Trần Anh - 07:37, 24/07/2019

TheLEADERSau Masan Resource, Techcombank và sắp tới là Masan MEATLife, Tập đoàn Masan sẽ niêm yết tất cả các công ty thành viên trong năm 2022-2023 để đem lại giá trị tối đa cho cổ đông

Thông báo hôm qua của Tập đoàn Masan cho biết, Công ty Masan Nutri-Science, một công ty thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan chính thức đổi tên thành Masan MEATLife.

Đây là công ty được thành lập từ năm 2015 khi Masan tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với hoạt động ban đầu kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên gần đây công ty đã chuyển sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng.

Masan MEATLife đã ra mắt thành công sản phẩm thịt mát đầu tiên được chứng nhận với công nghệ chế biến đạt chuẩn châu Âu mang thương hiệu “MEATDeli” vào tháng 12/2018. Cho đến nay, Masan MEATLife đã phục vụ hơn 700.000 người tiêu dùng với hơn 125 điểm bán tại Hà Nội và có kế hoạch chính thức giới thiệu sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2019.

Ông Danny Le, Chủ tịch Masan MEATLife cho biết: “Khi thành lập Masan Nutri-Science vào năm 2015, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là cung cấp nguồn đạm động vật chất lượng cho gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai đây sẽ là lĩnh vực Masan có thể mang lại những giá trị tích cực nhất đến cuộc sống hàng ngày”.

Theo Công ty, thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B với thị trường có giá trị hơn 10 tỷ USD, gấp 2.5 lần sữa. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường chưa được chuẩn hóa, còn rời rạc và có nhiều sản phẩm chưa an toàn cho sức khỏe.

Do đó, Công ty tin rằng có thể cải thiện chất lượng đạm động vật cho gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam đến năm 2022 và đồng thời trở thành một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Sản phẩm MEATDeli dự kiến đạt doanh thu từ 500 – 1.000 tỷ đồng trong năm 2019 với hơn 500 điểm bán tại miền Bắc và miền Nam. Công ty kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50% – 70% doanh thu của công ty, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm thịt có thương hiệu, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, vệ sinh và giá cả hợp lý, thay vì các sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc như trước đây.

Masan MEATLife là mô hình từ trang trại đến bàn ăn với chiến lược 3F (feed-farm-food). Trong đó, mảng thức ăn chăn nuôi với các công ty Proconco, ANCO chiếm 20% thị phần thức ăn chăn nuôi ngoài gia công. Trang trại chăn nuôi của công ty đặt tại Nghệ An quy mô hơn 200ha đạt tiêu chuẩn, trong khi nhà máy chế biến thịt mát được xây dựng tại Hà Nam.

Nằm trong chiến lược chuyển đổi sang mô hình FMCG có tốc độ tăng trưởng nhanh, Masan có kế hoạch niêm yết Masan MEATLife lên sàn chứng khoán UPCoM nhằm gia tăng sự linh hoạt và khẳng định nền tảng vững chắc của công ty.

Ngoài việc mang đến tính minh bạch cho các cổ đông, việc niêm yết lên UPCoM cũng là bước đi chiến lược góp phần đưa Masan MEATLife đạt mục tiêu IPO theo tiêu chuẩn quốc tế trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2022 – 2023.

Điều này cũng nhất quán với chiến lược tổng thể của Masan Group nhằm niêm yết tất cả các công ty thành viên trên các sàn giao dịch chính trong năm 2022-2023 để đem lại giá trị tối đa cho cổ đông.

Masan sắp đưa công ty nông nghiệp tỷ USD lên sàn

Tập đoàn Masan hiện sở hữu khoảng 80% cổ phần của Masan MEATLife. Năm ngoái Quỹ đầu tư của PENM Partners đã chi 16 triệu USD để mua lại 0,8% vốn điều lệ của Masan MEATLife từ Masan Group, tương đương với định giá công ty 2 tỷ USD.

Trước đó, vào tháng 4/2017, Quỹ đầu tư của KKR đã chi 150 triệu USD để sở hữu 7,5% cổ phần của Masan MEATLife. Ngoài ra, một cá nhân người nước ngoài khác cũng nắm giữ 5,5% cổ phần của công ty.