Mirae Asset Việt Nam dự báo VN-Index sẽ tăng 30% trong năm nay

Trần Anh - 14:51, 17/01/2021

TheLEADERXu thế tăng của thị trường được kỳ vọng áp đảo trong năm 2021 với mục tiêu cao nhất của VN-Index là 1.355-1.425 điểm. Kỳ vọng này được đưa ra dựa trên các giả định rằng tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp ước đạt 19% và định giá P/E mục tiêu cao nhất 19-20 lần.

Trong Báo cáo chiến lược năm 2021, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đã bày tỏ quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, xu thế tăng của thị trường được kì vọng áp đảo trong năm 2021 với mục tiêu cao nhất của VN-Index là 1.355-1.425 điểm, tăng gần 30% so với 2020.

Kỳ vọng này được đưa ra dựa trên các giả định rằng tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp ước đạt 19% và định giá P/E mục tiêu cao nhất 19-20x trên kì vọng nền kinh tế duy trì đà phục hồi tốt.

P/E hiện hành của VN-Index cuối năm 2020 ở mức 17.6 lần, cao hơn 10% so với trung bình PE 5 năm (ở mức 16 lần). Định giá hiện không còn rẻ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức P/E 22 lần vào đầu năm 2018 khi VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử 1,200 điểm.

Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, định giá tiếp tục hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn P/E dự phóng cho năm 2021 đạt 14 lần (giả định tăng tưởng EPS 2021 đạt 25.5%). Điều đó có nghĩa là định giá kỳ vọng vẫn ở mức rẻ và cơ hội vẫn còn mở ra cho nhà đầu tư trung dài hạn.

Vùng định giá P/E kỳ vọng nói trên vẫn nằm trong vùng vận động trong 3 năm gần đây. Theo đó, rủi ro bong bóng tài sản là không xảy ra trong năm 2021 dù thị trường đã và đang trải qua giai đoạn tăng trưởng vượt kỳ vọng.

Mirae Asset Việt Nam dự báo VN-Index sẽ tăng 30% trong năm nay
VN-Index sẽ có cơ hội viết lại lịch sử

Báo cáo phân tích cho rằng, VN-Index sẽ có cơ hội viết lại lịch sử sau khi vượt qua mốc đỉnh 1.200 điểm được thiết lập trong năm 2018 để xác lập mức cao mới. Dù vậy, mức độ biến động của thị trường được dự báo sẽ gia tăng sau khi VN-Index xác lập các đỉnh cao mới.

Sau giai đoạn tăng điểm trên diện rộng kể từ khi thị trường phục hồi vào tháng 4/2020 đến nay, sự phân hóa giữa các nhóm ngành, cổ phiếu trở nên rõ nét trong bối cảnh nhà đầu tư sẽ có thời gian đánh giá lại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hậu Covid-19, đặc biệt nửa sau năm 2021.

Triển vọng kinh tế năm 2021 vẫn tăng trưởng theo mô hình chữ V, đạt 6,9%. Động lực tăng trưởng đến: Xuất khẩu tăng trưởng khi Việt Nam tham gia nhiều FTA, Việt Nam là điểm đến của làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Đồng thời, tiêu dùng trong nước duy trì đà hồi phục và chính sách hỗ trợ kinh tế được duy trì.

Rủi ro lớn nhất cho kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới vẫn là Covid-19. Trong chiều hướng ngược lại, nếu Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, điều này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam do độ mở của nền kinh tế rất cao và Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác cho dù có được kiểm soát, Covid -19 được dự báo khó biến mất ngay trong năm và tăng trưởng kinh tế toàn cầu cần thêm nhiều thời gian để trở lại trạng thái bình thường trước dịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn khi nền kinh tế ngày càng thâm nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục chịu tác động bởi các sự kiện địa chính trị/phi truyền thống như căng thẳng Mỹ - Trung sau khi ông Biden đắc cử Tổng thống đi kèm với các chính sách khó đoán định. Áp lực định giá cổ phiếu gia tăng trên phạm vi toàn cầu sau giai đoạn phục hồi nhanh và mạnh. Nhiều chỉ số chủ chốt trên thế giới đã xác lập mức cao mới trong lịch sử. Và lẽ dĩ nhiêu sau khi xác lập mức đỉnh lịch sử sẽ là điều chỉnh?

Ngoài ra, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng rủi ro vĩ mô gia tăng trong trung dài hạn do nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa quá mức, cần được theo dõi đặc biệt, gồm lạm phát, tỉ giá, nợ công…