Mới có 11 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại

Nguyễn Cảnh - 12:56, 16/10/2021

TheLEADERTính tới 15/10, trong tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD), mới chỉ ghi nhận 11 trường hợp được công nhận COD.

Mới có 11 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại
Cách mốc hưởng giá điện theo cơ chế FIT (31/10/2021) khoảng 2 tuần, mới chỉ có 11/106 nhà máy được công nhận vận hành thương mại COD

Theo thông tin cập nhật, từ 1/10 đến 15/10/2021 đã có thêm 5 nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể đã được công nhận vận hành thương mại (COD) gồm: Phương Mai 1 (24MW được công nhận), Hướng Tân (46,2MW), Tân Linh (46,2MW), Nhơn Hòa 1 (25,2MW), Nhơn Hòa 2 (29MW).

Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió (tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thử nghiệm COD) thì đến 15/10/2021, đã có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 443 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD. EVN cho biết sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.

Đối chiếu danh sách công nhận COD đối với các nhà máy điện gió của EVN, cho thấy, một loạt dự án của các ông trùm điện gió nổi tiếng (đã chuyển nhượng phần lớn quyền sở hữu/chi phối quyết định cho nhà đầu tư ngoại) vẫn chưa được công nhận vận hành thương mại.

Điển hình, 2 nhà máy Đăk N'Drung 2 (công suất 100MW), Đăk N'Drung 3 (100MW) tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) do liên danh Công ty CP đầu tư năng lượng Hưng Bắc (ông Đỗ Lê Quân làm tổng giám đốc) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc đầu tư (giá trị hàng nghìn tỷ đồng). Đáng chú ý, cổ đông chiếm giữ 70% doanh nghiệp chủ đầu tư của 2 dự án này đều là một pháp nhân thuộc Sungrow Power (một tập đoàn lớn có trụ sở tại Trung Quốc, có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực điện gió và điện năng lượng mặt trời).

Tương tự, 2 dự án điện gió tại Quảng Trị là Hoàng Hải và Tài Tâm (đều có công suất 50MW mỗi dự án, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng và cùng do các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Lê Quân thực hiện) vẫn chưa được công nhận COD.

Một trường hợp khác, là dự án điện gió Hồng Phong 1 (40MW, tại tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng do Công ty CP Điện gió Hồng Phong 1 làm chủ đầu tư, đã được thay lõi bằng pháp nhân Indochina wind Pte.,Ltd nắm 51% cổ phần và Asian Wind Power 2 HK Limited (Hong Kong, Trung Quốc) 49%).

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi văn bản tới Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) và Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) về việc công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) và vận hành các dự án nhà máy điện gió.

Theo đó, EVN yêu cầu EVNEPTC thực hiện công nhận COD các dự án nhà máy điện gió theo đúng các điều kiện tại hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký.

Đối với các dự án chưa có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”, EVN ủy quyền Giám đốc EVNEPTC thực hiện đàm phán Hợp đồng sửa đổi bổ sung theo quy định; trong đó bổ sung cam kết của bên bán điện như sau.

Bên bán điện cam kết tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình (bao gồm cả việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến về việc bên bán điện chưa tuân thủ đúng các quy định về đầu tư xây dựng công trình, bên mua điện có quyền từ chối công nhận hoặc hủy bỏ công nhận COD, ngừng mua điện và yêu cầu bên bán điện hoàn trả toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán cho bên bán điện tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có).

Bên bán điện cam kết thực hiện theo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoàn trả cho bên mua điện toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán, tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có). Bên bán điện cam kết tuân thủ, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nếu xảy ra trường hợp nêu trên.

Đối với các hợp đồng sửa đổi bổ sung chỉ bổ sung cam kết của bên bán điện như đã nêu trên, EVN giao EVNEPTC đàm phán, ký kết và thực hiện.

Với EVNNLDC, EVN yêu cầu đơn vị chỉ đưa dự án nhà máy điện gió vào vận hành sau khi đã được công nhận COD và có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.