Mong manh triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Phương Anh - 12:05, 12/10/2023

TheLEADERVăn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) mới đây đánh giá, triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam sẽ nghiêng nhiều về phía tiêu cực, do sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và suy thoái thị trường nhà ở trong nước.

Theo AMRO, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 ở mức 4,7%, và tăng lên mức 6% vào năm 2024.

Trước những "cơn gió ngược" này, AMRO đề xuất Việt Nam cần điều chỉnh các biện pháp kích thích kinh tế hiện có để hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Đánh giá sơ bộ này được AMRO đưa ra sau chuyến tham vấn thường niên tới Việt Nam mới đây.

Cụ thể, ông Sumio Ishikawa, chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức khoảng 4,7% vào năm nay trước khi phục hồi lên ngưỡng 6% vào năm sau.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn mong manh, do kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. 

Áp lực lạm phát vẫn được kiểm soát nhờ sản xuất lương thực trong nước ổn định, cắt giảm tạm thời các loại thuế liên quan đến xăng dầu và quản lý giá cả.

Bên cạnh đó, suy giảm xuất khẩu sẽ được bù đắp bằng sụt giảm nhập khẩu tương đương và thu nhập từ du lịch tăng lên. FDI sẽ vẫn mạnh trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu được tái cấu trúc.

Thặng dư thương mại và dòng vốn FDI linh hoạt sẽ là những yếu tố chính tạo nên thặng dư cán cân thanh toán tổng thể.

Rủi ro với tăng trưởng

Rủi ro với triển vọng tăng trưởng đến từ nhu cầu bên ngoài biến động và thị trường bất động sản trong nước suy thoái.

Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị kéo dài, giá dầu toàn cầu tăng cao và thời tiết khắc nghiệt do El Nino gây ra ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả lương thực sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mong manh
Nhu cầu toàn cầu yếu sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh/TL

Không chỉ vậy, khu vực tài chính đối mặt với rủi ro tín dụng tăng cao, khi môi trường kinh tế đầy thách thức đã dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Hơn nữa, một số chủ đầu tư bất động sản đang phải vật lộn với việc trả nợ và tái cấp vốn có nguy cơ vỡ nợ.

Thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm sút có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng đảo nợ, từ đó làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Ngoài ra, những khó khăn trong phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tình trạng thiếu lao động kỹ thuật lành nghề có thể ảnh hưởng lên khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Dân số già đi nhanh chóng cùng những rủi ro về khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn.

Kiến nghị các giải pháp

Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm tạm thời giảm và hoãn tiền thuê đất và một số loại thuế, cắt giảm lãi suất điều hành và các biện pháp hỗ trợ tín dụng.

Trong thời gian tới, theo AMRO, trước những khó khăn và áp lực tài chính trên thị trường bất động sản, Việt Nam cần áp dụng chính sách kết hợp phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định tài chính.

Cụ thể, với sản lượng vẫn ở dưới mức tiềm năng và dư địa tài chính sẵn có, chính sách tài khóa nên cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm của nền kinh tế.

Trong trung hạn, chính sách tài khóa nên tập trung vào cải thiện quản lý thuế, mở rộng cơ sở tính thuế, nâng cao hiệu quả chi tiêu và tăng cường bảo trợ xã hội.

Chính sách tiền tệ thích ứng đã giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người đi vay dễ bị tổn thương và ở một mức độ nào đó, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

AMRO đánh giá, khi quá trình phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng, chính sách tiền tệ nên thắt chặt hơn. Hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ, bao gồm cả việc chuyển sang chính sách dựa trên thị trường hơn, sẽ cho phép hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả hơn.

Về hệ thống tài chính, ngành ngân hàng cần tăng dự phòng, vốn và đệm thanh khoản để phòng vệ trước những rủi ro gia tăng, cần áp dụng các biện pháp an toàn vĩ mô để ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên thị trường nhà đất.

Cùng với đó, cải thiện quản trị doanh nghiệp của các tổ chức tài chính, thực thi bảo vệ người tiêu dùng tài chính, nâng cao hiểu biết về tài chính, tăng cường công bố thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và giảm đòn bẩy tài chính của một số nhà phát triển bất động sản sẽ duy trì sự ổn định tài chính trong dài hạn.

Không chỉ vậy, AMRO khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện các nỗ lực phối hợp để thúc đẩy tăng trưởng xanh, toàn diện và bền vững, có thể cân nhắc việc tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua việc mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng.

Việt Nam cũng cần có nhiều nguồn lực hơn để tăng cường tính sẵn có và chất lượng giáo dục và đào tạo nghề. Trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, cần chú ý nhiều hơn đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu.