Muôn cách xoay sở của doanh nghiệp giữa mùa dịch

Việt Hưng - 15:04, 10/03/2020

TheLEADERDù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhưng các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang có rất nhiều cách đối phó sáng tạo nhằm vượt qua được giai đoạn vô cùng khó khăn này.

Trong những ngày qua, một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm đó là tình hình lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19. Số ca lây nhiễm liên tục tang cao tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới khiến cho sự việc này càng trở thành một mối lo ngại cấp thiết.

Không chỉ vậy, các chuyên gia kinh tế còn nhận xét rằng ảnh hưởng của dịch bệnh không chỉ đơn thuần nằm ở số người chết, số ca lây nhiễm mà nó còn tạo sức ép vô cùng lớn lên kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế của Việt Nam nói riêng.

Ngành dịch vụ và sản xuất chịu thiệt hại nặng nề

Theo một chủ chuỗi nhà hàng kinh doanh gà rán với 16 cửa hàng tại TP. HCM, từ khi có thông tin về dịch bệnh COVID-19, chuỗi cửa hàng của anh phải chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Số lượng khách đến cửa hàng ăn trược tiếp giảm tới 30%. Đặc biệt hơn nữa, các cửa hàng đặt ở trung tâm thương mại giảm đến 50% doanh số.

Ngành du lịch được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trong đợt dịch lần này. Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search cho biết, nhu cầu tuyển dụng cũng đã bắt đầu ngưng trệ và các kế hoạch tuyển dụng trước Tết đều phải trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Bà Lan chia sẻ thêm, sở dĩ có tình trạng này bởi các nhà hàng, khách sạn đều trải qua tình trạng khó khăn. Nhiều nơi phải cho nghỉ tới hơn một nửa số nhân viên, các công ty quy mô lớn thì vẫn cho nhân viên đi làm hưởng lương, nhưng nhiều đơn vị đành phải cắt giảm số lượng nhân lực tạm thời.

Không chỉ ngành dịch vụ, mà các ngành sản xuất cũng gánh chịu sức ép rất lớn. Do Trung Quốc, nơi được coi là công xưởng, cũng là nơi cung cấp nguyên vật liệu cho nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng của đợt dịch này. Nhiều nhà xưởng phải tạm ngưng sản xuất do không nhập được linh kiện, hay thiếu hụt nguyên vật liệu.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt bùng phát dịch COVID-19 này có thể kể đến như dệt, may, da giày… Ngoài ra các đơn vị sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính, xe động cơ, luyện kim… cũng bị ngưng trệ một phần do có một số nguyên liệu phải nhập về từ Trung Quốc.

Doanh nghiệp xoay sở để tồn tại qua mùa dịch

Dù gặp phải khó khăn khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ ra được rất nhiều phương án ứng phó tạm thời hữu hiệu.

Đối với ngành sản xuất, chị Oanh, đang là chủ sở hữu một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giấy xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết mình đã bị mất khá nhiều khách hàng trong đợt dịch lần này. Tuy nhiên, chị đã ngay lập tức cho lắp đặt một dây chuyền sản xuất khẩu trang với công suất lên đến 1.000 chiếc mỗi ngày và chuyển công nhân sang sản xuất loại mặt hàng này nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn.

Về phía các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ thì lại có những cách ứng phó hoàn toàn khác với dịch bệnh lần này. Đơn cử như cửa hàng Lốp Tín, một cửa hàng có uy tín trong cung cấp dịch vụ chăm sóc xe nằm tại Khu đô thị Dương Nội, cửa hàng này vẫn đông khách tấp nập dù đang là thời điểm giữa mùa dịch.

Muôn cách xoay sở của doanh nghiệp giữa mùa dịch 1
Nhiều doanh nghiệp đưa ra những phương án ứng phó mới lạ trong mùa dịch

Anh Hiếu, chủ cửa hàng cho biết: "Thay vì lo lắng, tôi đã yêu cầu toàn bộ nhân viên phải tuân thủ đúng các hướng dẫn của cơ quan nhà nước như đeo khẩu trang, giữ vệ sinh thật tốt để bảo vệ chính mình cũng như khách hàng. Thêm vào đó, do nhu cầu sát khuẩn, vệ sinh xe phòng tránh dịch tăng cao, chúng tôi cũng kết hợp với nhà phân phối sản phẩm OZIUM của Hoa Kỳ để tổ chức thêm các hoạt động khuyến mãi như diệt khuẩn, khử mùi xe miễn phí cho 200 khách hàng ghé qua cửa hàng từ nay đến hết 30/04. Khách hàng cứ qua chỗ tôi là được vệ sinh, khử khuẩn miễn phí dù không sử dụng dịch vụ gì. Nhờ vậy mà lượng khách hàng của chúng tôi vẫn được duy trì chứ không bị sụt giảm so với trước mùa dịch".

Ngoài ra, anh Hiếu cũng chia sẻ thêm, các doanh nghiệp nên mở rộng các gói dịch vụ, gắn với lợi ích khách hàng trong mùa dịch hơn nữa. Cửa hàng của anh, ngoài chương trình diệt khuẩn, khử mùi miễn phí còn tặng gói bảo hiểm Corona Care khi thay 2 lốp Yokohama theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Gói bảo hiểm kì lạ này có thời hạn 1 năm với giá trị bồi thường lên tới 100 triệu đồng. Theo đó, khách hàng khi lắp đặt lốp Yokohama tại cửa hàng Lốp Tín sẽ nhận được bảo đảm chi trả toàn bộ tiền điều trị nội trú nếu không may xét nghiệm bị dương tính với COVID-19. Gói bảo hiểm này như một sự đảm bảo khiến khách hàng yên tâm và lui tới sử dụng dịch vụ tại cửa hàng nhiều hơn.

Cùng trong các ngành dịch vụ, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, chủ chuỗi spa lại nhân thời điểm này để tiến hành sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, cũng như đào tạo lại nhân viên. Chị Ngân, chủ một spa tại TP. HCM cho biết, vừa quyết định đóng cửa 45 ngày để sửa sang lại trung tâm, chờ ngày thị trường phục hồi.

Như vậy, có thể thấy rằng dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhưng các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang có rất nhiều cách đối phó sáng tạo nhằm vượt qua được giai đoạn vô cùng khó khăn này.