Ngành dịch vụ tài chính chuyển đổi số tích cực

Phạm Sơn - 11:45, 24/05/2022

TheLEADERTốc độ chuyển đổi số ngành dịch vụ tài chính tăng cao trong bối cảnh Covid-19 để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ từ xa và hạn chế tiếp xúc.

Cuộc chơi chuyển đổi số trong ngành cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng diễn ra tương đối sớm, với những tiện ích như ngân hàng số, ứng dụng di động được phát triển ngày càng phổ biến. Sự tham gia của những công ty công nghệ tài chính (fintech) khiến cuộc chơi trở nên khá sôi động.

Tuy nhiên, trước thời điểm đại dịch Covid-19, hoạt động chuyển đổi số của dịch vụ tài chính, ngân hàng chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng trẻ và có hiểu biết về công nghệ. Phải đến khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhu cầu sử dụng dịch vụ từ xa, không tiếp xúc tăng cao, tốc độ chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng với được đẩy nhanh.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính hết năm 2021 có 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Tại 10 ngân hàng thương mại lớn, chi phí cho chuyển đổi số chiếm khoảng 20 – 30% tổng chi phí đầu tư hoạt động.

Theo báo cáo thường niên “Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”, tốc độ chuyển đổi số của hơn 90% đơn vị, doanh nghiệp dịch vụ tài chính, ngân hàng đã tăng gấp đôi trong năm 2020. Không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19, việc chuyển đổi số giúp các đơn vị nâng cao lợi nhuận đáng kể.

Những hình mẫu

Ông Phạm Thế Thành, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm tác giả báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), giới thiệu một số doanh nghiệp, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Thành và nhóm nghiên cứu đưa ra ví dụ về Ngân hàng Quân đội (MB Bank). Chuyển đổi số được đặt làm chiến lược trọng tâm của MB Bank kể từ năm 2017, với mục tiêu trở thành ngân hàng thuận tiện nhất vào năm 2021.

Dịch vụ tài chính chuyển đổi số tích cực 1
MB Bank chuyển đổi số với mục tiêu trở thành ngân hàng thuận tiện nhất.

Thực hiện hóa chiến lược, MB Bank thành lập khối Ngân hàng số thuộc Hội sở, tiến hành triển khai đồng bộ các giải pháp cung cấp dịch vụ số cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Ông Thành cho biết, chiến lược chuyển đổi số của MB rất đặc biệt khi mong muốn trở thành một “doanh nghiệp số”, tức là muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ tài chính, thay vì chỉ áp dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động.

Quyết định “lấn sân”, MB Bank triển khai các bước đi một cách đồng bộ, từ hạ tầng công nghệ, quy trình vận hành, dữ liệu và tài sản thông tin cho tới xây dựng văn hóa công nghệ số trong nội bộ tổ chức.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, MB Bank đạt 14/18 điểm dựa trên thang đo mức độ chuyển đổi số của Bộ Thông tin và truyền thông. Trong đó, 2 yếu tố là chiến lược chuyển đổi số và hạ tầng, công nghệ số được đánh giá ở mức phát triển (cao nhất trong 4 cấp độ: chưa khởi động; bắt đầu; hình thành và phát triển).

Đối với dịch vụ chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán VNDirect được chọn làm ví dụ tiêu biểu. Thành lập từ năm 2006, VNDirect xác định ngay từ đầu rằng công nghệ sẽ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dịch vụ tài chính chuyển đổi số tích cực 2
Bên cạnh dịch vụ chứng khoán, VNDirect còn chú trọng nâng cao năng lực tài chính cho khách hàng.

Với tư duy đó, VNDirect tiên phong triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ toàn diện. Tháng 8/2020, VNDirect là công ty chứng khoán đầu tiên áp dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC) cho khách hàng mở tài khoản trực tuyến.

Các nền tảng và giải pháp công nghệ được VNDirect liên tục cập nhật, không chỉ nhằm cung cấp dịch vụ chứng khoán mà còn hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho khách hàng. Nhờ đó, VNDirect là một trong những công ty chứng khoán có lượng tài khoản mới mở lớn nhất những năm gần đây.

VNDirect được nhóm nghiên cứu đánh giá đạt 13/18 điểm, trong đó yếu tố chiến lược chuyển đổi số đạt mức “phát triển”.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam là câu chuyện điển hình được VEPR giới thiệu cho ngành bảo hiểm. Đây là công ty bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam chuyển đổi mô hình từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến.

Dịch vụ tài chính chuyển đổi số tích cực 3
Dự án chuyển đổi số của AIA Việt Nam nhận được 2 giải thưởng danh giá từ Asian Technology Excellence Awards 2021.

Với mục tiêu đem lại trải nghiệm kỹ thuật số tốt nhất cho khách hàng, AIA Việt Nam thực hiện một loạt giải pháp như xử lý dữ liệu bằng trí tuệ nhân tạo (AI); tự động hóa quy trình…

Ông Thành cho biết, chiến lược chuyển đổi số của AIA Việt Nam thông qua những dự án dài hạn với nội dung chi tiết và hoàn thiện. Đây cũng là doanh nghiệp tương đối mạnh tay trong đầu tư chuyển đổi số.

AIA Việt Nam được nhóm nghiên cứu đánh gia 16/18 điểm, trong đó 4/6 tiêu chí đều đạt mức đánh giá “phát triển” là trải nghiệm khách hàng; chiến lược chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ và vận hành.

Theo ông Thành, thực tế không chỉ 3 doanh nghiệp nêu trên mà đa số các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính của Việt Nam đang rất tích cực trong chuyển đổi số, tạo ra sân chơi mới vô cùng sôi động.

Tuy nhiên, sự sôi động, tích cực này là chưa đủ để tạo ra bước đột phá thay đổi bộ mặt ngành cung cấp dịch vụ tài chính. Thực tế, đối với 3 đại diện tiêu biểu được nhóm nghiên cứu nêu ra, chỉ có AIA Việt Nam đạt trên 15/18 điểm là mức độ “phát triển”, còn MB Bank và VNDirect vẫn ở mức “hình thành”.

Để chuyển đổi số tạo ra tác động tích cực hơn đối với ngành tài chính, xuất phát từ chính những kinh nghiệm thực tế của những doanh nghiệp tiên phong, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp

Đầu tiên, cần bố trí ngân sách thường xuyên cho công tác chuyển đổi số, tránh việc chỉ đầu tư theo dự án dẫn đến việc chuyển đổi số bị gián đoạn khi dự án kết thúc.

Thứ hai, ban hành chiến lược, văn hóa chuyển đổi số nội bộ, đồng thời triển khai các kế hoạch truyền thông nội bộ để những chiến lược, văn hóa ấy được lan tỏa và thấm nhuần tới các bộ phận trong doanh nghiệp.

Cuối cùng, cần có cơ chế đánh giá các tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.